Huyện M'Drắk đẩy mạnh xuất khẩu lao động
M’Drắk là huyện nghèo, khó khăn của tỉnh, có 17 dân tộc cùng chung sống. Trong những năm qua, huyện luôn xác định giảm nghèo là nhiệm vụ quan trọng trong chương trình phát triển kinh tế - xã hội, là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị nên đã tập trung mọi nguồn lực để giảm tỉ lệ hộ nghèo, hạn chế tái nghèo, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống người dân.
Trong đó, xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang được chính quyền địa phương đẩy mạnh với những giải pháp, cách làm căn cơ hơn.
Để người dân hiểu rõ ý nghĩa của XKLĐ, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện đã tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan, doanh nghiệp, UBND các xã, thị trấn tổ chức các buổi tuyên truyền, tư vấn giới thiệu việc làm; phổ biến các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, của tỉnh đối với người lao động khi đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tham mưu cho UBND huyện tổ chức phiên giao dịch việc làm năm 2023 tại 13 xã, thị trấn thu hút hơn 500 người lao động tham gia, qua đó tư vấn việc làm, nghề nghiệp trong và ngoài nước cho gần 420 lao động. Đồng thời tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác XKLĐ cấp cơ sở, góp phần thực hiện mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
Trong năm 2023, ngành LĐ-TB&XH huyện tập trung thu thập, cập nhật, tổng hợp thông tin về tình hình lao động trên địa bàn huyện. Qua đó rà soát, thống kê danh sách số người trong độ tuổi lao động; tìm hiểu nguyện vọng, nhu cầu đi XKLĐ để chủ động tham mưu cho UBND huyện giới thiệu các doanh nghiệp xuất khẩu lao động uy tín về tận xã, thị trấn tổ chức tư vấn, giới thiệu đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài phù hợp với khả năng, năng lực, đúng pháp luật.
Đến nay, toàn huyện có 136 lao động đi XKLĐ, trong đó có 11 lao động là người dân tộc thiểu số. Cuộc sống của đa số hộ gia đình có người thân đi XKLĐ đúng pháp luật được cải thiện đáng kể. Gia đình có điều kiện sửa sang, xây mới nhà ở, mua đồ dùng sinh hoạt, tiếp tục đầu tư sản xuất, kinh doanh nâng cao chất lượng cuộc sống, góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương.
Đại diện Công ty Cổ phần Traenco Quốc tế (quận Cầu Giấy, Hà Nội) trao đổi với lãnh đạo xã Ea Riêng (huyện M'Drắk) về nhu cầu xuất khẩu lao động tại địa phương. |
Theo bà Hòa Thị Hằng, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH, hiệu quả của công tác XKLĐ đem lại khá rõ, song chưa đạt mục tiêu, kỳ vọng của huyện đề ra. Qua rà soát thông tin về lao động trên địa bàn huyện vừa qua cho thấy, nhu cầu XKLĐ của người lao động trên địa bàn huyện khá nhiều. Số lao động của địa phương ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng gấp nhiều lần con số mà ngành LĐ-TBXH huyện quản lý.
Đơn cử tại xã Ea Riêng, hiện có 20 lao động sang Nhật Bản làm việc theo hợp đồng ngành LĐ-TBXH đang quản lý, nhưng trên thực tế có trên 50 công dân trong độ tuổi lao động của địa phương đi XKLĐ tại một số nước. Tại nhiều đia phương khác của huyện, tình trạng này tương tự. Theo tìm hiểu, đa phần người lao động của huyện XKLĐ qua kênh giới thiệu của người thân, bạn bè ở các tỉnh phía Bắc. Điều này, tiềm ẩn nhiều rủi ro nếu chẳng may gặp phải công ty XKLĐ không uy tín.
Cán bộ xã Ea Riêng thăm hỏi gia đình Anh Vũ Trung Thông (bìa phải), ở thôn 9 từng đi xuất khẩu ở Nhật Bản hiện nay kinh tế khá ổn định. |
Trao đổi xung quanh vấn đề này, ông Lê Văn Thao, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết, chính quyền địa phương rất trăn trở mặc dù các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn đã quan tâm, song thắn thắn nhìn nhận giải pháp, cách làm chưa thực sự căn cơ, do đó chưa tạo thành sức mạnh tổng hợp để tạo sự bứt phá về XKLĐ.
Để công tác XKLD đạt kết quả như kỳ vọng, huyện sẽ tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể từ huyện đến cơ sở, phải xem công tác XKLĐ là nhiệm vụ chính trị, đặc biệt phải đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác XKLĐ. Cụ thể, ngành LĐ-TB&XH, các doanh nghiệp XKLĐ phải phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, ban tự quản, đoàn thể thôn, buôn, tổ dân phố để lồng ghép tuyên truyền các thông tin về thị trường lao động, phong tục tập quán, chế độ tiền lương, thưởng của công ty tuyển dụng của các nước mà lao động sẽ đến làm việc; các khoản chi phí, các chính sách ưu đãi về đào tạo nghề, vay vốn ưu đãi, tạo điều kiện cho lao động có nhu cầu đi xuất khẩu, nhất là đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ gia đình chính sách...
Cùng với đó tăng cường tuyên truyền về Luật lao động của Việt Nam, các chỉ thị, nghị quyết của Đảng đối với công tác XKLĐ để mọi người hiểu đầy đủ về quyền lợi, nghĩa vụ khi tham gia XKLĐ; nhất là ý thức của lao động trong việc chấp hành pháp luật lao động, phong tục, tập quán của nước tiếp nhận lao động Việt Nam đến làm việc, để người lao động thực hiện hợp đồng thuận lợi hơn, tránh tình trạng bỏ lỡ hợp đồng.
Phối hợp các công ty XKLĐ uy tín tổ chức tư vấn, tọa đàm, tuyển chọn trực tiếp tại các phiên giao dịch việc làm nhằm tạo niềm tin, sự gắn kết chặt chẽ với người lao động, làm cho người dân chú ý hơn góp phần nâng cao công tác tuyên truyền đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. "Nâng cao vai trò quản lý, điều hành của chính quyền các cấp; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của các cơ quan liên quan đến lĩnh vực XKLĐ trên địa bàn huyện trong thời gian tới đạt kế hoạch đề ra", ông Thao nhấn mạnh.
Hằng Nguyên
Ý kiến bạn đọc