Multimedia Đọc Báo in

Lòng dân kiên cường nơi biên ải

08:52, 27/12/2023

Một dải biên cương phía Bắc, vùng đất nào chẳng là phên dậu Tổ quốc. Nhưng riêng huyện Trà Lĩnh của tỉnh Cao Bằng, trong lịch sử là huyện duy nhất mang tên: Trấn Biên (trấn giữ biên ải), mãi đến năm 1958 mới đổi thành huyện Trà Lĩnh!

Ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trà Lĩnh

Từ TP. Cao Bằng, chạy theo tuyến đường vào thác Bản Giốc, đến đèo Mã Phục thì rẽ trái lên hướng cửa khẩu Trà Lĩnh. Huyện lỵ của Trà Lĩnh là thị trấn Hùng Quốc. Nghĩa trang Liệt sĩ Trà Lĩnh nằm trên một mái đồi phía đông bắc thị trấn. Hơn 300 mộ liệt sĩ trong nghĩa trang đã được thay mới vỏ mộ, ốp bằng những tấm đá hoa cương đen bóng.

Những mộ phần ở đây hầu hết là những liệt sĩ cùng hy sinh năm 1979, có một số liệt sĩ hy sinh sau đó, kéo dài đến năm 1989. Cúi xuống đọc kỹ từng bia mộ, thêm một điểm chung nữa: hầu hết đều là những người lính sinh vào năm 1959 và 1960, nghĩa là khi hy sinh họ đều tầm 19 - 20 tuổi và cùng là lính của Trung đoàn 667 Bắc Thái (Bắc Thái ngày đó là tỉnh hợp nhất giữa Thái Nguyên và Bắc Kạn). Tháng 2/1979, Trung đoàn 667 bảo vệ tuyến phòng ngự chủ yếu của Sư đoàn 346 trên hướng Trà Lĩnh. Những địa danh như bình độ 700, đồi Quyết Tử, đồi Thanh Niên, điểm cao 800, điểm cao 815… của Trà Lĩnh gắn với tên tuổi những người lính Sư 346.

Trong nghĩa trang hơn 300 mộ liệt sĩ ở đây, có một dãy mộ nằm sát nhau ngay hàng đầu phía tay phải từ phía cổng nghĩa trang đi vào có khác một chút, 6 ngôi mộ trong dãy này là 6 dân quân của xã Quang Hán: Bế Văn Sầu, Đàm Văn Dần, La Văn Nhịt, Đàm Văn Hần, Bế Văn Cái, Bế Đình Hạ. Có điều gì đó thôi thúc chúng tôi đi tìm gặp thân nhân những dân quân đã hy sinh này. Quang Hán là một xã không lớn, nhưng giữa núi rừng mênh mông, tìm được gia đình những liệt sĩ dân quân này chắc không dễ. May sao, khi đến bản Niếng Noọc, Bí thư Chi bộ bản Niếng Noọc Bế Văn Thạch cho chúng tôi hay cả 6 liệt sĩ dân quân ấy vốn là người sống cùng một bản: bản Thin Phong, giáp biên giới, gần mốc 729.

Dãy mộ sáu ngôi liền nhau của tiểu đội dân quân bản Thin Phong ở Nghĩa trang Liệt sĩ Trà Lĩnh

Lặng thầm trong thung núi

Gần 20 năm trước, phương tiện duy nhất đến bản giáp biên Thin Phong là… đôi chân, chưa một phương tiện cơ giới nào có thể vào đến bản. Nhưng nay thì con đường nối từ tỉnh lộ vào bản Thin Phong đã được đầu tư, xe ô tô có thể chạy vào tận nơi.

Bố của Trưởng bản Khằm Văn Mão là cụ Khằm Văn Chắn hóa ra là đồng đội của 6 liệt sĩ dân quân hy sinh cùng một ngày 18/2/1979. Cụ Chắn là thương binh hạng 2/4.

Bản Thin Phong khi ấy có một tiểu đội 7 người canh gác ở mỏm đồi Pô Lộ thuộc mốc 96 (nay là mốc 729). Ngay sau khi nổ ra cuộc chiến tranh biên giới chỉ một ngày, sáng 18/2/1979, cả tiểu đội 7 người hy sinh hết 6, chỉ mình cụ Chắn bị thương còn sống.

Thương binh, cựu dân quân Khằm Văn Chắn. 

Ở cái hốc núi hẻo lánh này thời gian như ngưng đọng lại, vì thế chuyện của vài thập niên trước lại có thể kể như vừa xảy ra hôm qua. Bản Thin Phong năm ấy cũng chỉ mười mấy nóc nhà.

Hằng ngày anh em trong tiểu đội dân quân lên bám chốt, nghe ngóng tình hình, canh gác không cho người bên kia biên giới xâm phạm. Khi chiến sự xảy ra ở mốc 96, chốt của tiểu đội dân quân bản bị tấn công bất ngờ quá.

“Khi đó cả bảy anh em chỉ có 7 khẩu súng kíp thôi, còn quân nó thì bắn loại súng “100 viên”, nó nã vào chốt, chết hết, cả bố thằng này” - cụ Chắn chỉ tay vào Đàm Văn Lò - con trai liệt sĩ Đàm Văn Dần đang ngồi cùng chúng tôi ở nhà cụ. Loại súng “100 viên” mà cụ Chắn kể chính là loại súng máy RPD với hộp đạn tròn chứa 100 viên đạn.

Trong cuộc tập kích vào chốt của tiểu đội dân quân Thin Phong, những khẩu trung liên RPD đã bắn xối xả vào những dân quân hiền hậu chất phác của bản nghèo này. Khi bố hy sinh, Đàm Văn Lò còn nằm trong bụng mẹ. Bà Nông Thị Sao, mẹ của Lò và là vợ của liệt sĩ Dần kể, khi ấy bà đang mang thai Lò hai tháng, dắt díu anh trai Lò là Ngọi mới hơn một tuổi chạy vào rừng. Không biết chồng mình hy sinh trên chốt.

Cũng như 6 ngôi mộ liệt sĩ dân quân của bản Thin Phong đang nằm cạnh nhau ở Nghĩa trang Liệt sĩ huyện Trà Lĩnh, mấy ngôi nhà của vợ con họ giờ cũng quây quần trong bản nhỏ giáp biên này. Nhà của La Văn Lý, con trai liệt sĩ La Văn Nhịt nằm đầu bản, tiếp đến là nhà của liệt sĩ Đàm Văn Hấn rồi nhà của bà Sao, vợ liệt sĩ Đàm Văn Dần. Không xa nhà của bà Sao là ngôi nhà của Bế Văn Lịch, con trai liệt sĩ Bế Văn Cái. Lịch sinh giữa năm 1978, chỉ mới mấy tháng tuổi thì nổ ra chiến tranh biên giới. Bố hy sinh, Lịch chưa được một tuổi. Mẹ Lịch, bà Hoàng Thị Khìn ở vậy nuôi con, thấm thoắt đã gần 40 năm

Ngôi nhà của Lịch thuộc vào loại đẹp nhất bản Thin Phong, làm theo kiểu mới, đổ mái bằng bê tông. Lịch bảo những gia đình liệt sĩ trong tiểu đội dân quân bản hy sinh trên chốt hồi năm 1979 đều được Nhà nước hỗ trợ làm nhà. Ở miền xuôi, một ngôi nhà đơn giản chỉ là nơi để ở, nhưng ở những bản giáp biên này, một ngôi nhà đổ sàn bê tông kiên cố không chỉ là một ngôi nhà. Một cân xi măng, một cân sắt thép vào tận bản bên đường biên tốn tiền gấp vài lần ở miền xuôi. Và những ngôi nhà của dân đúc tầng bê tông bên những mái đồi biên giới, trong tâm thức chúng tôi còn mang một ý nghĩa khác, một thông điệp khác. Như là một điểm chốt kiên cố dựng nên bởi lòng dân kiên cường.

Lê Đức Dục         


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.