Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số

21:18, 14/12/2023

Những năm qua, công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến đáng kể, từng bước thu hẹp khoảng cách giới, tạo điều kiện, cơ hội để phụ nữ và nam giới dân tộc thiểu số tham gia, thụ hưởng bình đẳng trong các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Công tác triển khai Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới và Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 - 2025” theo Quyết định số 1898/QĐ-TTg ngày 28/11/2017 của Thủ tướng Chính phủ luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở. UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 8157/KH-UBND về việc triển khai Đề án này trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở đó, hằng năm, Ban Dân tộc tỉnh đã cụ thể hóa các nội dung của Đề án bằng nhiều chương trình, hoạt động đa dạng, phong phú.

Cán bộ xã và thành viên tổ truyền thông cộng đồng buôn Khal tuyên truyền chính sách bình đẳng giới. Ảnh: T.Hồng
Cán bộ xã và thành viên tổ truyền thông cộng đồng buôn Khal (xã Cư Pơng, huyện K rông Búk) tuyên truyền chính sách bình đẳng giới. Ảnh: T.Hồng

Theo đó, trong giai đoạn 2020-2023, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các địa phương, đơn vị tổ chức 22 hội nghị tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ ở cấp cơ sở, già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín, chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, ban công tác Mặt trận thôn, buôn, người dân sinh sống trong vùng dân tộc thiểu số và học sinh các trường phổ thông Dân tộc nội trú; xây dựng 3 Chuyên mục phát thanh về giới, bình đẳng giới và phòng chống bạo lực gia đình với 7 thứ tiếng (Kinh, Ê Đê, M’nông, Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Cơ Ho) phát trên sóng phát thanh của Đài tiếng nói Việt Nam; xây dựng và phát sóng 2 phóng sự truyền hình về “Bình đẳng giới” và “Phòng, chống bạo lực gia đình” với 3 thứ tiếng Kinh, Ê Đê, M’Nông tuyên truyền trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số; cấp phát gần 6.200 sổ tay Hỏi đáp, treo 20 băng rôn cổ động trực quan về bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình; đồng thời triển khai 2 mô hình điểm về bình đẳng giới tại xã Đắk Phơi (huyện Lắk) và xã Yang Mao (huyện Krông Bông).

Đến nay, các nhiệm vụ của Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” trên địa bàn tỉnh cơ bản hoàn thành một số mục tiêu, như: 100% cán bộ, công chức làm công tác dân tộc cấp tỉnh, trên 50% cán bộ làm công tác liên quan đến bình đẳng giới ở cấp huyện, xã và 80% người có uy tín, già làng, trưởng thôn, buôn, đoàn thể ở thôn, buôn được phổ biến pháp luật về bình đẳng giới, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nâng cao năng lực tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bình đẳng giới; 90% các thôn, buôn vùng đồng bào được tuyên truyền kỹ năng sống về giới và bình đẳng giới. Qua đó đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của nhân dân. Vị trí, vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội ngày càng được khẳng định; trình độ học vấn, năng lực chuyên môn, đời sống vật chất, tinh thần được nâng lên, đóng góp tích cực vào sự phát triển, tiến bộ của vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh.

Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ ở cấp cơ sở, già làng, trưởng thôn, buôn, người có uy tín, chi hội phụ nữ, đoàn thanh niên, ban công tác Mặt trận thôn, buôn, người dân sinh sống trong vùng dân tộc thiểu số
Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bình đẳng giới cho cán bộ ở cấp cơ sở và người dân sinh sống trong vùng dân tộc thiểu số. Ảnh: N.Hải

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bình đẳng giới trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn còn những hạn chế, khó khăn như: việc triển khai thực hiện Luật Bình đẳng giới ở một số đơn vị, địa phương, cơ sở còn chậm; tỷ lệ nữ thiếu việc làm còn cao, nhiều phụ nữ còn thiếu hiểu biết về chăm sóc sức khỏe gia đình; việc khắc phục tình trạng tảo hôn, phụ nữ không biết chữ, tái mù chữ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn chậm; một số cấp ủy, chính quyền chưa thật sự quan tâm đến công tác cán bộ nữ nên đội ngũ cán bộ nữ kế cận còn thiếu và yếu; nhận thức của một số địa phương, tổ chức đoàn thể về công tác bình đẳng giới có nơi vẫn còn mang tính hình thức, thiếu chủ động...

Theo Ban Dân tộc tỉnh, thời gian tới, để nâng cao hiệu quả hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số, các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương cần tăng cường hỗ trợ, bố trí kinh phí cho các hoạt động về bình đẳng giới; chủ động, tích cực xây dựng cơ chế phối hợp triển khai có hiệu quả Nghị quyết số 28-NQ/CP ngày 03/3/2021 của Chính phủ về ban hành Chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2021-2030; Kế hoạch số 8157/KH-UBND ngày 25/9/2018 của UBND tỉnh về triển khai Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018-2025” gắn với việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trọng tâm là Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021-2025.

Cùng với đó, đẩy mạnh hiệu quả thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới; nâng cao vị thế của phụ nữ trên các lĩnh vực thông qua việc tăng cường sự tham gia lãnh đạo và quản lý của phụ nữ ở các cơ quan, đơn vị, địa phương; thực hiện bình đẳng giữa nam và nữ; lồng ghép vấn đề bình đẳng giới trong xây dựng các văn bản pháp luật gắn với cơ chế, chính sách, chương trình, dự án phù hợp; tăng cường các hoạt động giúp phụ nữ DTTS phát huy thế mạnh của mình và chủ động trong cuộc sống, qua đó nâng cao tri thức, quyền làm chủ kinh tế, từng bước tiếp cận đầy đủ cơ hội phát triển.

Khánh Duy - Nhuận Hải

 

 


Ý kiến bạn đọc