Multimedia Đọc Báo in

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

15:10, 14/12/2023

Sáng 14/12, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 04/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XI “Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29-NQ/TW).

Tham dự tại điểm cầu Trung ương có các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Lại Xuân Môn, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Đắc Vinh, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; Nguyễn Kim Sơn, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT.

Tham dự và chủ trì tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Phạm Minh Tấn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; Giám đốc Sở GD-ĐT Phạm Đăng Khoa.

h
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn phát biểu khai mạc hội nghị. (Ảnh Báo Giáo dục và Thời đại).

Tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Văn Phúc đã báo cáo tóm tắt kết quả 10 năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW. Sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, giáo dục và đào tạo nước ta đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, quy mô và mạng lưới các cơ sở giáo dục, đào tạo phát triển rộng khắp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Cả nước hiện có 15.334 cơ sở giáo dục mầm non; 25.467 cơ sở giáo dục phổ thông; 1.888 cơ sở giáo dục nghề nghiệp; có 242 cơ sở giáo dục đại học; 18.557 trung tâm giáo dục thường xuyên.

Đến nay, cả nước đã hoàn thành mục tiêu phổ cập mầm non cho trẻ 5 tuổi; kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục trung học cơ sở được duy trì vững chắc; quy mô và chất lượng giáo dục nghề nghiệp, giáo dục đại học ngày càng tăng, cơ bản đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động về nguồn nhân lực; hình thức, nội dung giáo dục thường xuyên ngày càng đa dạng, đáp ứng tốt hơn nhu cầu học tập suốt đời của người dân; chất lượng giáo dục ở các cấp học và trình độ đào tạo có nhiều tiến bộ.

h
Các đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk.

Công tác quản lý giáo dục và quản trị trường học có chuyển biến tích cực theo hướng đẩy mạnh phân cấp quản lý, giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục trong việc xây dựng kế hoạch dạy học; đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo của học sinh; đẩy mạnh thực hiện tự chủ đại học. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục cơ bản được chuẩn hóa; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được cải thiện; tích cực thực hiện chuyển đổi số trong toàn ngành Giáo dục; công tác xã hội hóa giáo dục đã đạt được những kết quả quan trọng.

Bên cạnh những kết quả chủ yếu đạt được, sau 10 năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị để sớm khắc phục.

Trong khuôn khổ hội nghị, các đại biểu đã tiến hành thảo luận, phân tích sâu hơn những kết quả đạt được và những khó khăn, tồn tại; đồng thời nêu lên những đề xuất, kiến nghị để có những giải pháp thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 29-NQ/TW trong giai đoạn tiếp theo.

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định ý nghĩa đặc biệt quan trọng của Nghị quyết số 29-NQ/TW trong sự mở đường cho sự đổi mới giáo dục, thể hiện tầm nhìn cho sự phát triển bền vững, lâu dài của đất nước. Qua Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW, Bộ GD-ĐT mong muốn sẽ cùng với các bộ, ngành, địa phương nhận diện một cách khách quan, đầy đủ, sâu sắc bức tranh giáo dục cả nước trong 10 năm. Trên cơ sở đó, đề xuất với Bộ Chính trị các nhiệm vụ, giải pháp để tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới của đất nước.

Bộ trưởng nhấn mạnh, cần kiên định, nhất quán với định hướng đổi mới; đồng thời phân tích những khó khăn, thách thức trong bối cảnh mới, từ đó đề xuất trong Kết luận của Bộ Chính trị một số nội dung để có thể tăng cường thích ứng, xử lý, vượt qua được thách thức. Bộ trưởng cũng nêu lên một số điểm cần phải đề cập đến trong dự thảo Kết luận của Bộ Chính trị, trong đó xoay quanh 3 vấn đề chính: nhận thức, thể chế và nguồn lực.

Huyền Diệu

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.