Xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội bảo đảm hiệu quả
Sáng 26/12, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) tổ chức Hội nghị trực tuyến tổng kết công tác năm 2023 và triển khai nhiệm vụ lao động, người có công và xã hội năm 2024.
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà dự và chỉ đạo hội nghị. Tham dự hội nghị có Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành hữu quan.
Dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk có Phó Chủ tịch UBND tỉnh H’Yim Kđoh; Phó Trưởng đoàn chuyên trách, phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Thị Thanh Xuân cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đơn vị hữu quan.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk |
Năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã tổ chức thực hiện đồng bộ, linh hoạt, hiệu quả những nhiệm vụ, giải pháp trên các lĩnh vực lao động, người có công và xã hội. Theo đó, thị trường lao động tiếp tục được phục hồi, lực lượng lao động, số người có việc làm tiếp tục tăng so với năm trước; tỷ lệ lao động qua đào tạo ước thực hiện đạt 68%; số lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng khoảng 155.000 người, đạt 129% so với kế hoạch.
Chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp, tiền lương, quan hệ lao động, an toàn lao động và quản lý lao động nước ngoài tại Việt Nam được thực hiện đầy đủ, kịp thời với 17,515 triệu người tham gia BHXH; trên 955.000 người đã được hưởng trợ cấp thất nghiệp. Công tác tuyển sinh học nghề năm 2023 ước đạt gần 2,3 triệu người.
Công tác chăm sóc người có công với cách mạng được quan tâm thực hiện hiệu quả; tổ chức thực hiện đầy đủ, kịp thời chính sách trợ cấp thường xuyên cho hơn 1,1 triệu đối tượng với tổng kinh phí khoảng 29.000 tỷ đồng; trợ cấp một lần cho 2.332 người với kinh phí 100 tỷ đồng…
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung phát biểu tại hội nghị. Ảnh chụp màn hình. |
Các chính sách, chương trình giảm nghèo được thực hiện khá toàn diện và tương đối đầy đủ, đời sống của hộ nghèo từng bước được cải thiện. Ước tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều năm 2023 còn 2,93% (giảm 1,1% so với cuối năm 2022), tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33%, tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số còn khoảng 17,82%. Công tác chăm sóc người cao tuổi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được thực hiện đầy đủ, kịp thời, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội...
Năm 2024, ngành LĐ-TB&XH hướng đến phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững và hội nhập nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực phục vụ cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; tiếp tục đổi mới toàn diện, thực hiện quyết liệt các khâu đột phá phát triển giáo dục nghề nghiệp; thực hiện đầy đủ các chính sách an sinh, phúc lợi xã hội đối với người có công, quan tâm đời sống người nghèo, người gặp khó khăn; xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ…
Theo đó, phấn đấu tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị dưới 4%; tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm trên 1%; đưa khoảng 125 nghìn người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia BHXH khoảng 42-43%...
Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh chụp màn hình. |
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà ghi nhận và biểu dương những kết quả mà ngành LĐ-TB&XH đã đạt được trong thời gian qua.
Về nhiệm vụ trong thời gian tới, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phải hoàn thiện thể chế, xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật về lao động, người có công và xã hội bảo đảm hiệu quả; tập trung triển khai tốt các chính sách ổn định thị trường lao động; quan tâm đến cơ cấu dân số, hoàn thiện chính sách đối với người cao tuổi; phối hợp giải quyết tốt vấn đề nhà ở xã hội, đất đai để tạo điều kiện sống cho công nhân cũng như việc học tập cho con em người lao động; triển khai hệ thống dịch vụ xã hội đa tầng, đa dạng, liên thông, chuyên nghiệp đáp ứng cơ bản trong khả năng tiếp cận cho các nhóm đối tượng, nhất là đối tượng yếu thế và người dân tộc thiểu số; phối hợp chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành cơ chế để xây dựng các chương trình, nội dung giáo dục, bảo đảm sự liên thông, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số toàn diện; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện các chính sách pháp luật về lao động, công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em...
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc