Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Ana: Hiện thực hóa ước mơ “an cư lạc nghiệp”

08:19, 18/01/2024

Chương trình cho vay nhà ở xã hội được triển khai trên địa bàn huyện Krông Ana đã giúp nhiều hộ gia đình có thu nhập thấp xây dựng nhà ở khang trang, “chạm” đến ước mơ “an cư lạc nghiệp”.

Với tiền lương giáo viên của hai vợ chồng, lại đang nuôi hai con nhỏ, chị Bùi Thị Ánh Tuyết (khu Đông Nam, thị trấn Buôn Trấp) chưa bao giờ nghĩ mình có được ngôi nhà khang trang với diện tích sàn gần 140 m² như bây giờ. Số tiền để chị xây nhà có đến 480 triệu đồng vay từ nguồn vốn ưu đãi Chương trình cho vay theo Nghị định 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội (gọi tắt là Nghị định 100). Chị chia sẻ: "Điều làm tôi yên tâm nhất là lãi suất cho vay của chương trình này chỉ 4,8%/năm và thời hạn vay trong 25 năm".

Như chị Tuyết, anh Lê Văn Luân (thị trấn Buôn Trấp) công tác tại Văn phòng HĐND và UBND huyện cũng là một trong những gia đình được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ Chương trình cho vay nhà ở xã hội trong năm 2023 để xây nhà. Trước đây, gia đình anh Luân ở trọ, chật chội, bất tiện. Biết đến chính sách cho vay nhà ở xã hội, lãi suất thấp, thời gian trả nợ kéo dài, anh quyết định vay, cộng với số tiền tích cóp được để xây dựng ngôi nhà mơ ước. Theo tính toán của anh Luân, đồng lương công chức của hai vợ chồng có thể dành dụm đủ để 6 tháng phân kỳ trả gốc, lãi thì trả hằng tháng, như vậy vẫn bảo đảm lo cho cuộc sống.

Chị Bùi Thị Ánh Tuyết, thị trấn Buôn Trấp (bìa phải) đang trao đổi với cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Krông Ana.

Nhờ tiếp cận được nguồn vốn vay từ chương trình xây nhà cho hộ nghèo thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) mà mục tiêu có nhà ở ổn định của gia đình ông Y Puing Hmok (buôn Dhăm, xã Ea Bông) hoàn thành sớm hơn dự định. Năm nay, gia đình ông Y Puing được đón Tết trong căn nhà mới.

 

“Nguồn vốn vay đã phát huy hiệu quả, các hộ sử dụng nguồn vốn vay đúng mục đích, từ đó giúp những hộ nghèo, thu nhập thấp có điều kiện an cư, phát triển kinh tế gia đình" - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bùi Quang Tuyên.

Vợ chồng ông Y Puing làm thuê, thu nhập không ổn định nên chưa thể tích lũy số tiền lớn để xây nhà kiên cố. Giữa năm 2023, ông tiếp cận được nguồn vốn vay 40 triệu đồng với lãi suất thấp theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP, ngày 26/4/2022 về chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn từ năm 2021 - 2030; trong đó giai đoạn 1 từ năm 2021 - 2025 của Chính phủ (gọi là Nghị định 28) thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nhà ở. Sau hơn một tháng thi công, ngôi được hoàn thiện, đem lại niềm vui cho cả gia đình. Ông tâm sự, cuộc đời ông vất vả nhiều, giờ có điều kiện để xây được căn nhà mới khang trang nên thấy rất mãn nguyện. Dù là tiền đi vay nhưng lãi suất ưu đãi, trả nợ dài hạn nên ông có phần yên tâm.

Theo Nghị định số 28, Ngân hàng Chính sách xã hội được giao thực hiện 5 chương trình cho vay, gồm: Cho vay hỗ trợ đất ở; nhà ở; cho vay hỗ trợ đất sản xuất, chuyển đổi nghề; đầu tư, hỗ trợ phát triển vùng trồng dược liệu quý; cho vay hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị. Khách hàng được vay là hộ nghèo DTTS, hộ nghèo dân tộc Kinh cư trú ở xã đặc biệt khó khăn, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS. Các chương trình cho vay theo Nghị định 28 có lãi suất ưu đãi, thời hạn vay từ 5 - 15 năm tùy từng chương trình và nhu cầu của người vay.

Ở huyện Krông Ana, giờ đây nhiều người dân đã mạnh dạn tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để xây dựng nhà ở. Nguồn vốn vay từ hai chương trình theo Nghị định số 28 và Nghị định 100 đã giúp nhiều người dân có điều kiện xây dựng nhà ở, đầu tư phát triển sinh kế. Tính đến nay, tại huyện Krông Ana, tổng dư nợ cho vay theo Nghị định số 28 đạt trên 5,8 tỷ đồng, hơn 120 hộ đang vay và tổng dư nợ chương trình cho vay theo Nghị định 100 hơn 14,5 tỷ đồng với 41 khách hàng.

Có thể thấy, với những hộ gia đình có thu nhập thấp, việc xây dựng ngôi nhà kiên cố luôn là ước mơ lớn của đời người. Chính vì vậy, nguồn vuốn vay hỗ trợ làm nhà ở được triển khai như chiếc “phao cứu sinh” giải quyết khó khăn về vốn, “tiếp sức” cho họ thực hiện mong ước xây được căn nhà ở. Thời gian tới, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện sẽ tích cực phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, triển khai hiệu quả các chương trình cho vay. Qua đó, giúp nhiều gia đình công chức, viên chức, công nhân, người lao động có thu nhập thấp có điều kiện sửa chữa, xây mới tổ ấm.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.