Tao nhã thú chơi chim chào mào
Những năm gần đây, thú chơi chim cảnh nói chung và chim chào mào nói riêng ở Đắk Lắk đã trở thành phong trào, thu hút nhiều người tham gia. Các hội thi chim cảnh, giao lưu giữa những người cùng sở thích cũng được tổ chức bài bản và thường xuyên.
Nghệ nhân chim cảnh Lê Ngọc Lợi (phường Tân Lợi, TP. Buôn Ma Thuột) cho biết, từ lâu đã có đam mê nuôi chim cảnh, đặc biệt là chim chào mào.
Theo anh, mỗi người chơi chim chào mào đều có tiêu chí lựa chọn chim riêng tùy vào sở thích và mục đích nuôi. Người nuôi chim để nghe hót thì chọn những chú chim có giọng hót luyến láy, nhiều âm tiết và đã thuần người. Còn người nuôi chim để đi thi hót đấu thông thường sẽ chọn những chú chim rừng đã già dặn, gốc mào dày, nhanh nhẹn, rất “bản lĩnh”. Giá chim dao động từ vài trăm nghìn đồng cho đến vài triệu đồng, thậm chí có những chú chim trị giá lên đến hàng trăm triệu đồng.
Hội thi chào mào hót đấu do CLB chào mào Văn Tân (TP. Buôn Ma Thuột) tổ chức. |
Anh Nguyễn Văn Dũng (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột), là người đã từng tham gia nhiều cuộc thi chim chào mào hót đấu, chia sẻ kinh nghiệm: Khi thuần hóa chim chào mào bổi (chim mới bắt ngoài tự nhiên về) đòi hỏi người chơi phải có đam mê và tính kiên nhẫn cao. Khi chim đứng trong lồng mà ra giọng hót tự nhiên như ở giữa rừng núi thì người chơi phải thường xuyên đưa chim đến những câu lạc bộ (CLB) chim chào mào để chim thi hót. Cũng theo kinh nghiệm của anh Dũng, chim cũng có tính nết riêng, người chơi phải hiểu để lựa chọn loại thức ăn chúng yêu thích và lồng nuôi phù hợp. Thêm nữa, vị trí treo lồng khi thi đấu cũng rất quan trọng, có những chú chim khi treo tại khu vực giữa giàn thì chơi rất hay, nhưng khi đặt tại vị trí ngoài cùng thì lại thể hiện không tốt. Để những chú chim của mình thi đấu tốt trong mỗi cuộc thi, anh Dũng đều đi sớm để chọn lựa vị trí treo chim phù hợp, nhất là tại những giải đấu lớn.
Phong trào chơi chim chào mào tại Đắk Lắk đã có từ lâu, nhưng bắt đầu phát triển mạnh từ năm 2010 đến nay. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có khoảng 40 CLB chim chào mào, nhiều nhất là TP. Buôn Ma Thuột với 14 CLB. Những CLB này là nơi để những người có chung đam mê chim chào mào mang chim đến thi đấu với nhau. Anh Võ Thiện Phước (trú huyện Cư M'gar) cho biết: Anh đã chơi chim chào mào được hơn 5 năm nay, mỗi buổi sáng rảnh rỗi, anh lại mang chim đến CLB để huấn luyện chim và học hỏi thêm kinh nghiệm chăm sóc chim.
Thú chơi chim đòi hỏi đầu tư nhiều về thời gian, công sức. |
Theo ông Lê Phúc Tiếng, Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh TP. Buôn Ma Thuột, trên địa bàn tỉnh có tới hàng nghìn người chơi chim cảnh, trong đó chim chào mào thu hút được rất đông người chơi. Khác với trước đây, chỉ có những người đứng tuổi mới tham gia thì hiện nay ngày càng nhiều người trẻ tuổi tìm đến thú chơi tao nhã này. Những CLB chim chào mào là nơi kết nối những người có chung niềm đam mê và là địa điểm để mọi người gặp gỡ, trò chuyện, gác lại những bộn bề của cuộc sống, cùng hòa mình vào “bản nhạc” do những chú chim chào mào diễn tấu.
Anh Dũng
Ý kiến bạn đọc