Multimedia Đọc Báo in

Để nông thôn mới... không "cũ"

08:26, 19/02/2024

Sau ba năm về đích nông thôn mới (NMT), xã Buôn Tría (huyện Lắk) đang nỗ lực giữ vững thành tích đạt được và xây dựng NTM nâng cao.

Chú trọng công tác tuyên truyền

Ngay từ khi bắt tay vào xây dựng NTM nâng cao, chính quyền xã Buôn Tría đã xác định lấy cán bộ làm gốc để tuyên truyền, vận động người dân cùng đồng hành.

Theo đó, cấp ủy, chính quyền xã đã xây dựng kế hoạch tuyên truyền, tổ chức thực hiện bằng những giải pháp cụ thể, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương.

Đồng thời, thành lập Ban quản lý xây dựng NTM nâng cao để lồng ghép, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước; chuyển tải thông tin kịp thời và đẩy mạnh nêu gương người tốt, việc tốt trong quá trình triển khai thực hiện phong trào xây dựng NTM.

Nhờ đó, nhân dân đã hiểu và tham gia tích cực trong các phong trào như hiến đất làm đường, nạo vét kênh mương...

Cổng chào thôn văn hóa Hưng Giang (xã Buôn Tría, huyện Lắk) được xây dựng mới từ kinh phí đóng góp của người dân tại địa phương.

Điển hình như thôn Hưng Giang có 57 hộ, với 189 nhân khẩu, những năm trước, đời sống của người dân còn nhiều vất vả, khó khăn. Phát huy phương châm “Dân biết - dân bàn - dân làm - dân kiểm tra - dân thụ hưởng” trong xây dựng NTM nâng cao, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động nhân dân.

Ông Nguyễn Văn Diễn, Trưởng thôn Hưng Giang chia sẻ, nhờ tuyên truyền sâu sát mà ý thức của người dân đã thay đổi rõ rệt, qua đó tích tham gia đóng góp xây dựng nhiều công trình hạ tầng. Cụ  thể, trong năm 2023, địa phương đã vận động 20 triệu đồng nạo vét tuyến mương từ cầu gỗ (thôn Liên Kết 2) đến cầu thanh niên (thôn Hưng Giang); hơn 40 triệu đồng xây dựng cổng chào thôn văn hóa và tu sửa hội trường thôn, trồng cây dừa tạo cảnh quan.

Bên cạnh đó, các cán bộ còn hướng dẫn bà con cải tiến, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thay đổi giống lúa nên sản lượng mỗi năm đã đạt khoảng 18 tấn/ha. Kinh tế phát triển, đời sống tinh thần của người dân dần nâng lên, nhiều câu lạc bộ sinh hoạt tập thể ra đời đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân.

Tương tự, tại thôn Liên Kết 2, việc tuyên truyền, gần gũi sâu sát trong xây dựng NTM nâng cao cũng được cán bộ, đoàn thể chú trọng. Theo ông Nguyễn Công Thịnh, Trưởng thôn Liên Kết 2, địa phương thường xuyên lồng ghép tuyên truyền trong các buổi họp dân hoặc hội thi, hội diễn văn nghệ quần chúng, giúp nâng cao nhận thức của cộng đồng tham gia thực hiện, hoàn thành các tiêu chí NTM nâng cao. Nhờ vậy, ý thức của người dân về xây dựng NTM đã có nhiều chuyển biến tích cực.

Không có điểm dừng

Đến nay, xã Buôn Tría đã đạt 8/19 tiêu chí NTM nâng cao; nhiều công trình kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất và đời sống dân sinh khu vực nông thôn được xây dựng; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo giảm theo lộ trình đã định.

Hạ tầng giao thông thôn Liên Kết 2 (xã Buôn Tría, huyện Lắk) ngày càng được hoàn thiện.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Buôn Tría Vũ Xuân Thọ, để đạt được NTM đã khó, giữ chuẩn và nâng chuẩn còn khó hơn. Hiện nay, xã đang phải đối diện với những khó khăn như: phong trào xây dựng NTM có xu hướng dàn trải, lệ thuộc vào kinh tế - xã hội của địa phương; chưa có sản phẩm đạt chuẩn OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm); chưa xây dựng được thương hiệu cho cây trồng chủ lực (lúa nước) và chưa thu hút được doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp. Bên cạnh đó, đường sá đi lại vẫn còn khó khăn; hệ thống thủy lợi chưa được kiên cố hóa hoàn toàn; đầu ra sản phẩm không ổn định; thiên tai thường xuyên xảy ra khiến việc phát triển kinh tế còn nhiều trở ngại… Do đó, tiềm lực kinh tế của địa phương còn yếu, dẫn đến nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ các chương trình, dự án bị hạn chế, chưa đa dạng.

Ông Vũ Xuân Thọ nhấn mạnh, xác định NTM là không có điểm dừng, để nó không “cũ” dần đi thì cần nỗ lực khắc phục khó khăn, đảm bảo tính bền vững nhằm thúc đẩy phong trào ở trình độ và chất lượng cao hơn. Trong đó, điều tiên quyết nhất là phát huy nội lực từ sức dân – vốn là trung tâm của quá trình xây dựng NTM. Bởi vậy, thời gian tới, địa phương sẽ đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tập trung triển khai có hiệu quả các đề án, dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Đồng thời, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào canh tác; phát triển hình thức tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, xây dựng nhãn hiệu, liên kết bao tiêu sản phẩm, chế biến, tiêu thụ gắn với triển khai thực hiện Chương trình OCOP. Từ đó, làm “đòn bẩy” cho bà con phát triển kinh tế, phát huy nội lực xây dựng NTM nâng cao.

Khánh Huyền


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.