Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát tại UBND huyện Buôn Đôn
Chiều 22/2, Đoàn giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân làm Trưởng đoàn đã tiến hành giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023” tại UBND huyện Buôn Đôn.
Theo đánh giá tại buổi làm việc, từ năm 2018 – 2023, việc tổ chức đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện Buôn Đôn cơ bản đã đạt được mục tiêu đề ra. Huyện đã giảm được 2 đơn vị sự nghiệp công lập.
Đại biểu tham dự buổi giám sát. |
Đến năm 2023, huyện Buôn Đôn có 39 đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND huyện với 1.184 biên chế, giảm 111 biên chế so với năm 2018; có 1 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc huyện được giao đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư…
Quá trình triển khai thực hiện cho thấy đã có những chuyển biến tích cực, nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền được nâng lên rõ rệt. Đội ngũ cán bộ, công chức các cấp của huyện, đặc biệt là cán bộ chủ chốt có phẩm chất, năng lực, bản lĩnh chính trị vững vàng, đủ về số lượng, cơ cấu hợp lý, đảm bảo sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ. UBND huyện đã từng bước xây dựng và củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy hoạt động hiệu quả, đảm bảo về số lượng và cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra.
Chủ tịch UBND huyện Buôn Đôn Phạm Trung Nghĩa thông tin về tình hình thực hiện việc sáp nhập, tinh giản biên chế trên địa bàn huyện. |
Bên cạnh đó vẫn còn một số hạn chế, khó khăn, vướng mắc: Chỉ tiêu biên chế, số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập được giao hằng năm chưa đảm bảo theo định mức tối thiểu, các đơn vị còn thiếu số lượng biên chế so với yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Số đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên còn ít, việc thực hiện xã hội hóa một số dịch vụ còn hạn chế. Cơ sở vật chất dù đã được đầu tư, tuy nhiên chủ yếu vẫn dạng cải tạo; còn nhiều phòng học được xây dựng từ những năm trước, theo định mức số học sinh quy định; nếu tổ chức dồn lớp thì số học sinh sẽ tăng dẫn đến phòng học chật hẹp, gây nhiều khó khăn trong việc dạy và học và không đảm bảo chất lượng giáo dục.
Thành viên Đoàn giám sát đề nghị UBND huyện Buôn Đôn làm rõ một số nội dung liên quan. |
Tại buổi làm việc, các thành viên đoàn giám sát đề nghị UBND huyện Buôn Đôn làm rõ một số nội dung: đánh giá cụ thể về những thuận lợi, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó đặc biệt nêu rõ về những tác động, ảnh hưởng đến việc ra lớp của học sinh, chất lượng giảng dạy của các nhà trường; việc các UBND xã sử dụng cơ sở vật chất được giao sau khi tiến hành sắp xếp, sáp nhập các đơn vị; đánh giá kỹ hơn về việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập sau khi sắp xếp, tổ chức lại; những khó khăn trong thực hiện cơ chế tự chủ…
Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Thanh Xuân phát biểu kết luận buổi làm việc. |
Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Trưởng đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, Trưởng Đoàn giám sát Lê Thị Thanh Xuân đề nghị UBND huyện Buôn Đôn tiếp tục thực hiện có hiệu quả, đúng chủ trương, với quyết tâm chính trị cao trong lãnh đạo, chỉ đạo, bám sát vào các mục tiêu, chỉ tiêu trong các nghị quyết của Đảng, văn bản của Nhà nước, của tỉnh.
Trên cơ sở kế hoạch đã xây dựng, huyện cần rà soát, đánh giá thật sát để có giải pháp, có lộ trình; không thực hiện một cách cơ học, không vì áp lực chỉ tiêu mà sáp nhập một cách máy móc mà phải phù hợp với điều kiện, thực tế của địa phương; đồng thời có báo cáo, phân tích làm rõ và mạnh dạn đề xuất, kiến nghị các phương án triển khai phù hợp cũng như rút ra bài học kinh nghiệm triển khai cho giai đoạn tiếp theo…
Lan Anh
Ý kiến bạn đọc