Làm việc thời vụ tại Hàn Quốc: Cơ hội nâng cao thu nhập
Là địa phương đầu tiên của tỉnh thực hiện việc thí điểm đưa người lao động địa phương đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc (theo Công văn số 2188/LĐTBXH-QLLĐNN ngày 24/6/2022 của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội), năm 2023, Ea Súp đã tuyển chọn và đã đưa 111 người sang làm việc tại thành phố Ik-san, tỉnh Jeollabuk (đợt 1: 39 người; đợt 2: 72 người).
Hiện nay, tất cả người lao động đã trở về địa phương, mỗi người sau khi trừ chi phí còn mang về được khoản thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng/đợt.
Bà Hoàng Thị Kiều Oanh, Phó Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) huyện Ea Súp cho biết: Căn cứ các văn bản chỉ đạo của cấp trên và biên bản thỏa thuận hợp tác giữa UBND huyện Ea Súp với thành phố Ik-san, tỉnh Jeollabuk (Hàn Quốc), Phòng LĐ-TB&XH huyện đã phối hợp các cơ quan liên quan và UBND các xã, thị trấn tổ chức thực hiện tuyển chọn người lao động tại địa phương đủ tiêu chuẩn sang Hàn Quốc làm việc thời vụ, trong đó ưu tiên người thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, người dân tộc thiểu số hoặc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp, thân nhân của người có công với cách mạng.
Cán bộ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Ea Súp tư vấn về Chương trình đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc đợt 1 năm 2024 cho người dân. |
Theo biên bản thỏa thuận giữa huyện Ea Súp và thành phố Ik-san, thời gian lao động thời vụ là 3 tháng và không yêu cầu cao về ngoại ngữ, là điều kiện thuận lợi để người dân sắp xếp công việc, tranh thủ lúc nông nhàn để tham gia. Trong quá trình làm việc tại Hàn Quốc, người lao động có cơ hội học thêm ngoại ngữ; tiếp cận với phương pháp làm việc tiên tiến và các công nghệ mới, sau khi trở về địa phương có thể vận dụng vào lao động sản xuất.
Biết đến chương trình trên thông qua Phòng LĐ-TB&XH huyện Ea Súp, chị Hoàng Thị Thúy (SN 1985, tổ dân phố Thắng Lợi, thị trấn Ea Súp) nhận thấy mình đủ điều kiện, hoàn cảnh gia đình lại khó khăn nên chị đã làm hồ sơ đăng ký tham gia. Chị Thúy sang thành phố Ik-san lần đầu vào tháng 3/2023 và được nhận vào làm việc cho một nông trại trồng khoai lang; thu nhập bình quân mỗi tháng khoảng 30 triệu đồng, chưa tính tăng ca (1,5 triệu đồng/ngày). Sau khi về nước, tháng 8/2023, chị Thúy tiếp tục sang làm việc thời vụ tại nông trại này theo thư mời từ phía Hàn Quốc. Sau hai đợt sang Ik-san làm việc, chị Thúy tích góp được 170 triệu đồng, dùng để trả nợ ngân hàng và nuôi hai con ăn học.
Tương tự, chị Ngô Thị Ngọc Bích (SN 1993, thôn 6, xã Cư M’lan) chia sẻ, qua tìm hiểu, chị thấy chế độ và chính sách làm việc tại thành phố Ik-san bảo đảm, điều kiện làm việc thuận lợi nên trong tháng 7/2023 chị đã nộp hồ sơ đăng ký tham gia. Sau khi hồ sơ được phê duyệt, chị và các lao động khác được Phòng LĐ-TB&XH huyện Ea Súp tổ chức dạy tiếng Hàn Quốc miễn phí; hỗ trợ làm thủ tục xuất cảnh.
Tháng 8/2023, chị xuất cảnh sang thành phố Ik-san và được nhận vào làm việc tại một nông trại trồng rau xà lách và khoai lang với mức lương từ 34 - 36 triệu đồng cho 26 ngày làm việc.
Trong suốt thời gian làm việc tại Ik-san, chị và các lao động khác được chính quyền thành phố hỗ trợ về chỗ ở có an ninh trật tự tốt. Hết hạn hợp đồng, khi trở về nước, chị Bích còn được chủ nông trại và cơ quan chức năng Hàn Quốc hỗ trợ 4,5 triệu đồng tiền vé máy bay. Sau chuyến đi, chị mang về được 90 triệu đồng, góp phần trang trải cuộc sống gia đình.
Từ hiệu quả của chương trình trên, Sở LĐ-TB&XH Đắk Lắk đang tiếp tục giới thiệu các địa phương trong tỉnh thực hiện việc ký kết thỏa thuận đưa người lao động địa phương đi làm việc thời vụ tại Hàn Quốc.
Anh Dũng
Ý kiến bạn đọc