Multimedia Đọc Báo in

Bảo vệ thông tin cho người tiêu dùng

08:20, 18/03/2024

Với chủ đề “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn”, Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam năm 2024 nhấn mạnh đến ý nghĩa, tầm quan trọng của thông tin đối với sự an toàn của người tiêu dùng trong quá trình lựa chọn, thanh toán, sử dụng hàng hóa, dịch vụ, đặc biệt trong bối cảnh ngày càng có nhiều hành vi lừa đảo, xâm phạm quyền lợi người tiêu dùng trong các giao dịch trên môi trường trực tuyến.

Được bảo vệ thông tin là một trong những quyền cơ bản của người tiêu dùng đã được quy định trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng. Trong bối cảnh công nghệ phát triển, xu hướng tiêu dùng có nhiều thay đổi, chuyển từ môi trường truyền thống sang môi trường trực tuyến, quy định bảo vệ thông tin người tiêu dùng cũng được điều chỉnh tương thích.

Điều này thể hiện rõ trong Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2023 được Quốc hội khóa XV, Kỳ họp thứ 5 thông qua ngày 20/6/2023, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024. Luật đã bổ sung thêm, quy định rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc xây dựng hệ thống các biện pháp ngăn ngừa một số hành vi xâm phạm dữ liệu cá nhân của người tiêu dùng; bảo đảm an toàn, an ninh thông tin của người tiêu dùng mà họ thu thập, lưu trữ, sử dụng.

Tuy nhiên trong thực tế, việc bảo vệ thông tin của người tiêu dùng đang đối mặt với nhiều thách thức. Với sự phát triển của thương mại điện tử, người tiêu dùng có thể mua sắm một cách thuận tiện trên các sàn giao dịch điện tử hoặc trên các trang mạng xã hội, nhưng cũng chính sự thuận tiện đó đã nảy sinh những nguy cơ.

Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Đỗ Lan
Khách hàng mua sắm tại Siêu thị Co.opmart Buôn Ma Thuột. Ảnh minh họa: Đỗ Lan

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực công nghệ thông tin, khi một người tham gia vào các hoạt động giao dịch hoặc tương tác trên mạng xã hội, có rất nhiều thông tin cá nhân có thể bị rò rỉ, có thể bị đánh cắp hoặc chia sẻ bất hợp pháp và gây ảnh hưởng đến bản thân và những người thân của họ.

Nhiều website bán hàng buộc khách hàng điền đầy đủ thông tin cá nhân mới thực hiện giao dịch mà không có một cam kết nào về việc giữ bí mật các thông tin cá nhân đó. Khách hàng cũng không được biết những thông tin điền vào sẽ được sử dụng cho mục đích gì ngoài việc phục vụ cho giao dịch thương mại đang tiến hành.

Ngoài sự lỏng lẻo trong khâu quản lý, nhiều khách hàng cũng khá dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân. Đơn cử, khi mua sắm, sử dụng hàng hóa/dịch vụ của một nhãn hàng/cơ sở mới, người tiêu dùng thường được đề nghị và sẵn sàng cung cấp thông tin cá nhân, thậm chí gửi cả ảnh chụp căn cước công dân không làm mờ mã QR để làm thẻ khách hàng, theo như lời bên bán là sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho cả đôi bên. Ngoài một số tiện ích, ưu đãi về hàng hóa, dịch vụ có thể được hưởng, hầu như người tiêu dùng không hề biết thông tin đó có còn được sử dụng vào việc gì nữa không.

Điều đó vô tình “tiếp tay” cho  việc sử dụng thông tin của khách hàng khi chưa được cho phép, sử dụng cho các mục đích ngoài thỏa thuận đang diễn ra rất phổ biến. Đơn cử như số điện thoại của người tiêu dùng bị khai thác một cách bất hợp pháp, nhiều tổ chức, cá nhân có được thông tin này liên tục gọi điện giới thiệu sản phẩm, cung cấp những thông tin mà khách hàng không có nhu cầu...

Do đó, bên cạnh những chế tài, quy định của pháp luật về bảo vệ người tiêu dùng, thì bản thân người tiêu dùng cũng cần có trách nhiệm trong việc bảo vệ thông tin của chính mình. Trước hết, người tiêu dùng cần nâng cao nhận thức về giá trị và tầm quan trọng của việc bảo mật thông tin cá nhân; đồng thời phải nắm bắt được các quy định pháp luật liên quan đến việc tự bảo vệ quyền lợi của mình.

Hoa Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.