Multimedia Đọc Báo in

“Giải cơn khát” việc làm cho lao động vùng biên

08:26, 08/03/2024

Mở ra cơ hội công việc cho người dân, các phiên giao dịch việc làm trên địa bàn huyện biên giới Buôn Đôn đã và đang là cầu nối tin cậy giúp người lao động “giải cơn khát” việc làm.

Phiên giao dịch việc làm tại cụm xã Tân Hòa và Ea Nuôl là phiên thứ tư trong năm 2024 được Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức.

Với nhu cầu tuyển dụng trên 2.300 người lao động, 6 cơ quan doanh nghiệp tham gia phiên giao dịch đã tạo điều kiện cho người lao động có thể lựa chọn đa ngành nghề phù hợp với nhu cầu, lứa tuổi, trình độ. Nhiều ngành nghề đang cần nguồn nhân lực lớn như kế toán, quản trị kinh doanh, công nghệ thông tin, kỹ sư xây dựng, nhân viên bán hàng, lao động phổ thông… được quan tâm với mức lương dao động từ 5 - 20 triệu đồng/tháng.

Người lao động huyện vùng biên Buôn Đôn theo dõi thông tin việc làm.

Không chỉ trong nước, phiên giao dịch còn kết nối người lao động tham gia các thị trường nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Australia, Ba Lan, Romania… Tùy theo ngành nghề, người lao động có thể hưởng mức lương cơ bản từ 21 - 38 triệu đồng/tháng.

Tốt nghiệp đại học và có nhiều năm công tác ở TP. Hồ Chí Minh, song vì cần về gần gia đình ở Buôn Đôn để chăm con nhỏ nên chị Hoàng Thị Nội (xã Ea Nuôl) đành phải nghỉ việc. Chị chia sẻ: “Về địa phương tìm việc thực sự khó khăn hơn, nhưng nhờ những phiên giao dịch việc làm mà mình có thêm nhiều thông tin quý giá về các doanh nghiệp, nhu cầu tuyển dụng trên địa bàn. Nhờ đó giúp mình có nhiều lựa chọn phù hợp hơn đối với công việc sắp tới”.

 

“Địa phương sẽ đẩy mạnh hơn nữa công tác thông tin; tích cực phối hợp với các cơ quan báo chí địa phương trong tuyên truyền, giúp người dân cập nhật, nắm rõ nhu cầu tuyển dụng, thị trường lao động trong và ngoài tỉnh để tìm kiếm việc làm phù hợp" - Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Buôn Đôn Lê Thanh Sơn.

Nghỉ giữa chừng khi đang học THPT, em H’Quyên Alio (xã Ea Nuôl) về phụ giúp gia đình công việc nương rẫy. Khá lo lắng do trình độ có hạn, song khi tham gia phiên giao dịch việc làm, em đã được thông tin, tư vấn nhiều công việc phù hợp khả năng của mình.

Em cho hay, chị gái em cũng nhờ phiên giao dịch việc làm mà tìm được công việc phù hợp tại Đồng Nai. Qua tư vấn, bản thân em có ấn tượng với một số công việc như sản xuất lông mi, sản xuất giày thể thao, em sẽ tìm hiểu kỹ hơn trước khi quyết định.

Trưởng Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Lê Thanh Sơn cho biết, nhằm giúp người lao động kịp thời nắm bắt được thị trường, các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước về lao động, việc làm, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên nhiều kênh.

Trong quá trình tổ chức các phiên giao dịch, để đạt chất lượng cao, Phòng đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh làm việc với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh.

Trên cơ sở đó lựa chọn các đơn vị đủ tư cách pháp nhân, có giấy phép hoạt động, có uy tín, đảm bảo các chính sách, nhất là chính sách ưu đãi đối với người lao động để mời tham gia phiên giao dịch việc làm tại địa phương.

Đơn vị cũng đã cung cấp các thông tin tuyển dụng (về mức lương, điều kiện làm việc, ngành nghề tuyển dụng, số lượng tuyển dụng...) để UBND các xã thông báo cho người lao động biết.

Bên cạnh đó, Phòng cũng thường xuyên phối hợp đăng tải các thông tin, thông báo trên website, các trang mạng xã hội; treo băng rôn, pa nô, phát tờ rơi… về nhu cầu lao động của các cơ quan, doanh nghiệp giúp người lao động được rõ.

Tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động ở Buôn Đôn.

Độ tuổi có nhu cầu việc làm cao là đoàn viên, thanh niên. Vì vậy, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã cùng Huyện Đoàn tổ chức kế hoạch phối hợp giới thiệu việc làm. Từ đó tạo điều kiện cho người lao động, đoàn viên, thanh niên và người sử dụng lao động có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc, trao đổi, tư vấn những vấn đề quan tâm về lao động, việc làm và xuất khẩu lao động.

Từ năm 2023 đến nay, Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh tổ chức 6 phiên giao dịch việc làm, qua đó thu hút khoảng 500 người lao động tham gia. Từ các phiên giao dịch đã góp phần giúp người lao động tìm được việc làm, nhất là người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ khó khăn, trong đó có nhiều người chọn xuất khẩu lao động. Nhờ đó, đời sống người dân có nhiều cải thiện.

Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.