Multimedia Đọc Báo in

Trong hương sắc hoa cà phê cao nguyên

14:28, 28/03/2024

Cứ tầm từ tháng một đến tháng ba hằng năm, trên vùng đất Tây Nguyên, hoa cà phê nở trắng nương đồi. Hoa cà phê với sắc trắng tinh khôi và hương thơm dịu dàng khiến thời điểm này trở thành mùa đẹp nhất trong năm ở vùng đất cao nguyên.

Điểm nhấn của du lịch nông nghiệp

Tháng ba Tây Nguyên, trời trong xanh, nắng vàng ươm đã tạo không gian cho hoa cà phê khoe sắc hương tinh khôi, dịu dàng đầy mê hoặc lòng người. Mặc dù vòng đời của hoa cà phê không dài, nhưng đã trở thành điểm nhấn thú vị cho các tour du lịch nông nghiệp.

Hoa cà phê với sắc trắng tinh khôi và hương thơm dịu dàng. Ảnh: Minh Thuận

Ông Hồ Sĩ Trung (chủ V’Ori Farm, huyện Krông Pắc) chia sẻ, những đoàn khách đến với farm đúng vào dịp hoa cà phê nở đã rất thích thú, không ngớt trầm trồ, mê mẩn trước sắc trắng tinh khôi, dịu dàng và hương thơm đầy quyến rũ. Đây là nét rất riêng của vùng đất đỏ bazan. Mặc dù khó tổ chức các tour du lịch riêng dành cho loài hoa này giống như mùa hoa tam giác mạch, mùa hoa mận, hoa đào… ở các tỉnh phía Bắc vì vòng đời của hoa cà phê rất ngắn, thời điểm nở hoa phụ thuộc rất nhiều vào thời điểm tưới và thời tiết, song đây vẫn được xem là điểm nhấn của các nông trại, thu hút du khách tìm đến trải nghiệm, tìm hiểu về cà phê Buôn Ma Thuột - vùng đất trăm năm của cà phê.

Tại Trang trại cà phê Aeroco (TP. Buôn Ma Thuột), nhiều đoàn khách cũng tìm đến vào mùa hoa cà phê nở để được chiêm ngưỡng “mùa tuyết trắng” trên cao nguyên. Anh Trần Minh Thảo (du khách đến từ Hà Nội) cho hay, lâu nay cũng nghe bạn bè kể về mùa hoa cà phê nhưng anh chưa có lần nào vào đúng dịp mùa hoa cà phê nở. Đợt này không hẹn trước lại may mắn được chiêm ngưỡng một vườn cà phê trắng muốt, tinh khôi từ sắc trắng đến mùi hương. Thật sự làm mê đắm lòng người, vào vườn rồi không dứt ra được để đi về…, luyến tiếc mãi!

Theo những người làm du lịch nông thôn, hoa cà phê thường nở vào ba đợt tưới đầu; sau một tuần tưới, cây bắt đầu ra “hoa chanh” cho đến khi hoa nở và hoa tàn chỉ trong vòng 3 – 4 ngày. Vì vậy rất khó để mở ra một lễ hội hoa cà phê vào tháng ba hằng năm như mong muốn của nhiều người. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nông trại chế biến cà phê chất lượng cao đã chú ý quảng bá sản phẩm cà phê thông qua việc giúp khách hàng trải nghiệm quy trình chăm sóc, chế biến cà phê theo xu hướng “từ nông trại đến ly cà phê”. Nhờ đó mà hình ảnh mùa hoa cà phê được quảng bá rộng rãi đến khách hàng để họ sắp xếp thời gian tìm đến các nông trại vào dịp này. Mùa hoa cà phê vẫn là mùa đẹp nhất trong năm của vùng đất đỏ và là một điểm nhấn ấn tượng đối với khách du lịch khi đến với Đắk Lắk, với Tây Nguyên đại ngàn.

Du khách thích thú chụp ảnh với vườn hoa cà phê. Ảnh: Minh Thuận

Hoa cà phê thành đặc sản

Vào mùa hoa cà phê, những người yêu loại hoa trắng tinh khôi này thấy thật lãng phí khi hoa cứ nở rồi tàn khô trong vườn. Vì vậy mà họ đã chế biến hoa cà phê thành thức uống mang hương vị đặc trưng, góp phần tăng thêm nguồn lợi từ cây cà phê.

Là người yêu cà phê, từ năm 2022 chị Nguyễn Thị Hường, Giám đốc Công ty Cổ phần Nông sản N&H đã mày mò chế biến ra sản phẩm trà hoa cà phê. Nguồn nguyên liệu được thu hoạch từ vườn cà phê 5 ha trồng theo phương pháp hữu cơ tại xã Ea Yông (huyện Krông Pắc). Làm trà hoa cà phê cũng thật tỉ mẩn công phu. Vào mùa hoa, chủ vườn theo dõi thường xuyên, khi hoa vừa thụ phấn xong thì hái ngay. Mỗi ngày, một nhân công cũng chỉ hái được 2 – 3 kg hoa cà phê tươi. Việc thu hoạch cũng nhẹ nhàng để không ảnh hưởng đến năng suất cà phê. Nguồn hoa phải sạch để không ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Hoa cà phê được sấy ở nhiệt độ 60 – 80oC để khi thành trà thì không mất màu, hương vị và dinh dưỡng của hoa. Mỗi mùa, chị Hường sản xuất được 20 - 30 kg trà hoa cà phê. Để làm ra 1 kg trà phải cần đến 15 kg hoa cà phê tươi. Bên cạnh trà hoa cà phê thuần, chị còn kết hợp với gạo lức đen, đàn hương, kỳ tử, táo đỏ để cho ra loại trà thảo mộc thơm ngon, hấp dẫn hơn.

Chị Bùi Thị Kim Anh, Giám đốc Công ty TNHH FARMFOOD cũng theo đuổi hành trình “lưu giữ hương hoa cà phê” với tất cả niềm đam mê và nhiệt huyết. Chị cho biết, để trà hoa cà phê có được hương vị độc đáo và đậm đà, người thợ phải thu hái hoa trong khoảng thời gian từ 4 - 8 giờ sáng, khi hoa mới nở, ong chưa hút mật. Đây là thời điểm hoa cà phê đạt chất lượng tốt nhất. Hoa thu hoạch xong phải sơ chế ngay để giữ được hương thơm đặc trưng.

Du khách chụp ảnh trong vườn cà phê của Trang trại cà phê Aeroco. Ảnh: Minh Thuận

Trà hoa cà phê thơm dịu, màu vàng đẹp, vị dễ uống, có tác dụng thanh nhiệt cơ thể, giúp giấc ngủ sâu, người không biết uống cà phê vẫn có thể thưởng thức loại trà này. Gần đây, trà hoa cà phê đã được nhiều người biết đến như là món quà đặc trưng của du khách mỗi lần đến xứ sở cà phê Buôn Ma Thuột. Sản phẩm này cũng mang lại hiệu quả kinh tế, tăng thêm thu nhập cho người trồng cà phê. Hiện nay, lượng sản phẩm trà hoa cà phê đang ít và còn nhiều tiềm năng để phát triển. Chế biến trà này chi phí đầu tư không cao, nhưng khó khăn là phải xây dựng được vùng nguyên liệu sạch, không sử dụng phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật. Không chỉ tiêu thụ trong nước, qua các đợt xúc tiến thương mại quốc tế thì trà hoa cà phê cũng được khách hàng nước ngoài đón nhận tích cực, cho thấy sản phẩm này có tiềm năng rất lớn ở thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản và các nước khu vực Trung Đông.

Theo đánh giá của Hiệp hội Cà phê Buôn Ma Thuột, việc tạo ra nhiều sản phẩm từ cây cà phê sẽ giúp “thủ phủ” cà phê Đắk Lắk xây dựng được một nền nông nghiệp đa giá trị và tạo ra giá trị gia tăng tối ưu trên một đơn vị diện tích canh tác. Đặc biệt, ở nhiều địa phương có thế mạnh về cây cà phê, nên khuyến khích nông dân liên kết để khai thác được những giá trị gia tăng từ cây cà phê, kết hợp văn hóa, du lịch... nhằm tạo nên một điểm đến thu hút du khách và trở thành điểm đến của cà phê thế giới trong tương lai gần.

Minh Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.