Xã hội hóa công tác làm nhà Đại đoàn kết
Trong bối cảnh địa phương còn nhiều khó khăn, ngân sách có hạn, mà nhu cầu xây dựng nhà Đại đoàn kết quá lớn nên để hoàn thành mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian sớm nhất, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh xác định giải pháp căn cơ là huy động tối đa kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Theo thống kê của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, hiện trên địa bàn tỉnh còn 7.687 hộ ở nhà tạm, dột nát. Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng cho biết, theo quy định thì mỗi nhà Đại đoàn kết được hỗ trợ kinh phí xây dựng là 70 triệu đồng, như vậy tổng số tiền cần có để hỗ trợ là trên 500 tỷ đồng. Đây là con số quá lớn, nếu không muốn nói là nằm ngoài khả năng của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh.
Với trách nhiệm, vai trò chăm lo cho người nghèo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tích cực, chủ động huy động kinh phí qua việc vận động ủng hộ Quỹ Vì người nghèo. Từ năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã vận động được 53 tỷ đồng cho Quỹ Vì người nghèo. Kinh phí này dùng hỗ trợ cho rất nhiều hoạt động an sinh xã hội, trong đó hỗ trợ xây nhà Đại đoàn kết trung bình mỗi năm khoảng 300 căn. Đây là sự nỗ lực rất lớn của địa phương, tuy nhiên so với nhu cầu thực tế vẫn còn khá khiêm tốn.
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Y Giang Gry Niê Knơng (thứ tư từ phải sang) trao Bảng ghi nhận Tấm lòng vàng tặng VietinBank đã hỗ trợ kinh phí, xây nhà Đại đoàn kết. |
Để giải "bài toán" khó này, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chủ trương đẩy mạnh xã hội hóa nguồn lực qua việc tranh thủ các mối quan hệ, chủ động tiếp cận các doanh nghiệp, đơn vị để vận động ủng hộ. Dù tình hình kinh doanh gặp nhiều khó khăn sau đại dịch, song các doanh nghiệp vẫn ý thức trách nhiệm của mình đối với địa phương, nhiệt tình ủng hộ.
Mới đây, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tiếp nhận 4 tỷ 970 triệu đồng của VietinBank tài trợ, xây dựng 71 nhà Đại đoàn kết trên địa bàn tỉnh (mỗi nhà được hỗ trợ 70 triệu đồng). Giám đốc VietinBank, Chi nhánh Đắk Lắk Lê Phúc Đông khẳng định, là một doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh, ngoài thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ, trách nhiệm với Nhà nước thì trên tinh thần sẻ chia, VietinBank sẵn sàng đồng hành, hỗ trợ kinh phí, giúp chính quyền địa phương thêm nguồn lực triển khai hiệu quả các hoạt động an sinh xã hội, trong đó có hoạt động hết sức ý nghĩa, thiết thực là xây dựng nhà Đại đoàn kết.
Trước đó, Đắk Lắk cũng tiếp nhận nguồn hỗ trợ của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) với số tiền 7 tỷ đồng để xây dựng 100 căn nhà Đại đoàn kết. Còn tại Tháng cao điểm Vì người nghèo năm 2023, có 77 cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đã ủng hộ Quỹ Vì người nghèo với tổng số tiền 13,6 tỷ đồng.
Gần đây nhất, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Bộ Công an, Công an tỉnh triển khai công tác khảo sát xây dựng nhà ở cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh. Sau quá trình khảo sát, đánh giá toàn diện công tác xây dựng, tìm hiểu nguồn vật liệu xây dựng phù hợp, Bộ Công an hỗ trợ Đắk Lắk xây dựng 1.200 nhà Đại đoàn kết, với mức hỗ trợ mỗi nhà là 50 triệu đồng, còn lại là nguồn kinh phí đối ứng của địa phương.
Lễ bàn giao nhà Đại đoàn kết tặng hộ nghèo tại xã Ea Kuăng (huyện Krông Pắc). |
Cùng với sự đồng hành của nhiều doanh nghiệp, đơn vị, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cũng kêu gọi các tổ chức thành viên, chính trị - xã hội trong Mặt trận cộng đồng trách nhiệm chung tay vào công tác xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh và cũng nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Theo đó, mỗi thành viên đều có những cách làm, hình thức khác nhau giúp hội viên, đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn an cư lạc nghiệp.
Đơn cử như Đoàn Thanh niên có chương trình xây dựng nhà Nhân ái, Hội Cựu chiến binh triển khai làm nhà Đồng đội, Liên đoàn Lao động tỉnh làm Mái ấm công đoàn… Cùng với đó, các huyện, thị xã, thành phố cũng đề ra những mục tiêu cụ thể, phù hợp tình hình thực tế để chung tay cùng Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh hướng đến mục tiêu xóa nhà tạm, nhà dột nát trong thời gian sớm nhất.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc