Bảo đảm công tác phân luồng học sinh sau trung học cơ sở
Ngày 3/4, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 67/KH-UBND tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2024 – 2025 (Kế hoạch). Theo đó, công tác tuyển sinh vào lớp 10 THPT công lập sẽ có nhiều sự thay đổi so với trước.
Chung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) PHẠM ĐĂNG KHOA.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Đăng Khoa. |
* Theo Kế hoạch của UBND tỉnh, công tác tuyển sinh năm học 2024 – 2025 có nhiều điểm mới so với những năm học trước. Đây là nội dung quan trọng, được nhiều người quan tâm, ông có thể nói rõ hơn về những điểm mới này?
Ngoài các trường chuyên biệt (Trường THPT Chuyên Nguyễn Du, Trường THPT DTNT N’Trang Lơng, TP. Buôn Ma Thuột; Trường THPT DTNT Đam San, thị xã Buôn Hồ) thì năm học 2024 - 2025 sẽ có thêm 9 trường THPT công lập tổ chức thi tuyển; các trường còn lại sẽ tổ chức xét tuyển theo quy định chung.
Điểm mới nữa là tỉnh sẽ không phân tuyến tuyển sinh theo đơn vị hành chính xã, phường, thị trấn như trước đây mà phân luồng theo tuyến huyện, thị xã, thành phố. Theo đó, học sinh ở các tuyến huyện, thị xã, thành phố có thể đăng ký dự thi hoặc xét tuyển vào một trường THPT các em có nguyện vọng học. Các em tham gia tuyển sinh vào các trường tổ chức thi được đăng ký thêm nguyện vọng 2 là: thi trường chuyên biệt không đậu có thể đăng ký nguyện vọng 2 xét tuyển vào một trường thi tuyển; nếu đăng ký dự thi vào một trường THPT trên địa bàn huyện, thị xã, thành phố được quyền đăng ký dự tuyển (xét tuyển) ở một trường THPT khác trên địa bàn.
Để chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học 2024 – 2025, ngay từ đầu năm học 2023 – 2024, Sở GD-ĐT đã xây dựng dự thảo kế hoạch tuyển sinh và có hướng dẫn cho các trường THPT, THCS chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm học mới. Do đó, nhà trường và học sinh đã có những bước chuẩn bị nhất định để lựa chọn trường học trong những năm tới.
Ngoài ra, Sở cũng đã hướng dẫn học sinh, phụ huynh đăng ký dự tuyển bằng hình thức trực tuyến tại cổng thông tin điện tử Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh để đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số trong giáo dục và giúp phụ huynh thuận lợi hơn để đăng ký, theo dõi kết quả của con em mình trong quá trình tuyển sinh.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phạm Đăng Khoa kiểm tra cơ sở vật chất tại Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột). |
* Ngoài học THPT, học sinh tốt nghiệp THCS có thể lựa chọn học nghề tại các trường nghề hoặc trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX). Ngành giáo dục cần làm gì để phụ huynh, học sinh nhìn nhận, hiểu rõ hơn lựa chọn trên, thưa ông?
Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác phân luồng học sinh sau THCS, Sở GD-ĐT đã tổ chức Ngày hội tư vấn, tuyển sinh, hướng nghiệp và phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS năm 2024 tại 15 huyện, thị xã, thành phố. Ngày hội có sự tham gia của các đơn vị liên quan nhằm phổ biến về mục tiêu và định hướng nghề nghiệp theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” của Chính phủ và Kế hoạch triển khai Đề án trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 – 2025 (Kế hoạch 1541) do UBND tỉnh ban hành ngày 21/6/2019; nét mới trong công tác tuyển sinh năm học 2024 – 2025… Theo đó, các em không trúng tuyển vào trường THPT thì có thể lựa chọn học tập tại các trung tâm GDNN-GDTX và chỉ học 7 môn văn hóa theo chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Học sinh cũng có thể học tại các trường nghề theo chương trình vừa học nghề, vừa học văn hóa (với các môn văn hóa như các trung tâm GDNN–GDTX); sau 3 năm học tại trường nghề, học sinh sẽ có bằng Trung cấp nghề và bằng THPT. Ngoài ra, khi học tại các trung tâm và trường nghề, học sinh vẫn được hưởng các chế độ liên quan theo quy định.
Hằng năm, Sở GD-ĐT phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội kiểm tra các cơ sở giáo dục dạy nghề có tổ chức dạy học giáo dục thường xuyên về cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên; việc tổ chức dạy học… theo quy định để bảo đảm quyền lợi học tập của các em học sinh.
* Xin cảm ơn ông!
Nhật Minh (thực hiện)
Ý kiến bạn đọc