Multimedia Đọc Báo in

Cần huy động các nguồn lực để phát triển giáo dục thể chất

08:23, 24/04/2024

Thực hiện Đề án tổng thể phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến năm 2025 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt là Đề án), ngành giáo dục và đào tạo tỉnh đã tập trung chỉ đạo, lãnh đạo, triển khai thực hiện và tạo sự chuyển biến tích cực.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) ĐỖ TƯỜNG HIỆP về nội dung này.

* Một trong những mục tiêu quan trọng của Đề án là tạo sự chuyển biến trong nhận thức của học sinh, phụ huynh và các nhà trường đối với môn giáo dục thể chất, vậy Sở GD-ĐT đã có những giải pháp cụ thể nào để tạo sự chuyển biến đó, thưa ông?

Thực tế trước kia, có lúc có nơi môn giáo dục thể chất chưa thực sự được quan tâm, chú trọng đúng mức, nhiều phụ huynh và học sinh còn tâm lý xem đây như là một môn phụ trước áp lực của các môn học khác. Còn về phía các nhà trường, nhất là các trường vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, điều kiện cơ sở vật chất chưa đáp ứng được công tác giảng dạy những môn thể thao được nhiều học sinh yêu thích như bơi lội, bóng đá, bóng chuyền, bóng rổ. Để giải quyết tình trạng đó, song song với việc đẩy mạnh công tác truyền thông về tầm quan trọng của giáo dục thể chất và thể thao trong nhà trường, Sở GD-ĐT chỉ đạo các đơn vị, nhà trường thực hiện nghiêm túc quy chế giáo dục thể chất và y tế trường học, thường xuyên kiểm tra giám sát quá trình thực hiện. Bên cạnh đó, Sở cũng quan tâm bố trí đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất, sân bãi phục vụ cho hoạt động giáo dục thể chất và thể thao trong các cơ sở giáo dục cũng như chú trọng đến công tác đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ về chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên bộ môn giáo dục thể chất, đáp ứng nhu cầu giảng dạy tại các trường.

Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Tường Hiệp.

* Theo ông, sự thay đổi về nhận thức đã tác động thế nào đến hoạt động thực tế?

Trước hết đánh giá về công tác giảng dạy bộ môn giáo dục thể chất ở các trường học thì hiện nay 100% trường phổ thông trong toàn tỉnh đã thực hiện nghiêm túc chương trình chính khóa môn thể dục từ lớp 1 đến lớp 12 (lớp 1-2 học 1 tiết/tuần, từ lớp 3 đến lớp 12 học 2 tiết/tuần); thực hiện kiểm tra, đánh giá xếp loại từng học kỳ và cả năm học theo Thông tư hướng dẫn số 58/2011/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT. Nội dung, hình thức tổ chức hoạt động thể thao trường học theo hướng đa dạng, phong phú, phù hợp với điều kiện, đặc điểm cụ thể của từng địa phương, nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý, lứa tuổi và trình độ của học sinh, tạo sự hứng khởi cho học sinh tham gia tập luyện các môn yêu thích. Cụ thể, hiện có 176 câu lạc bộ thể dục thể thao nhà trường hoạt động thường xuyên.

Chuyển biến trong công tác giáo dục thể chất học đường được minh chứng rõ nét qua công tác đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ việc giảng dạy. Thống kê tại các trường học có 140 nhà tập luyện và thi đấu thể thao đa năng, 170 sân bóng đá ngoài trời, 864 sân bóng chuyền, bóng rổ, bóng ném bằng bê tông, 1.945 sân cầu lông, đá cầu, 21 bể bơi…, cơ bản đáp ứng nhu cầu tập luyện của học sinh.

Một điểm nhấn trong hoạt động giáo dục thể chất học đường là bộ môn này không chỉ góp phần nâng cao sức khỏe, rèn luyện tính kỷ luật, lối sống lành mạnh, giúp học sinh phát triển toàn diện mà qua đó còn phát hiện những năng khiếu thể thao cho địa phương, nhiều vận động viên xuất sắc của tỉnh đã được phát hiện từ nhà trường như: võ sĩ Trương Đình Hoàng, đô cử Võ Thị Quỳnh Như, cung thủ Nguyễn Thị Hải Châu, cầu thủ Phan Tuấn Tài; riêng vận động viên các trường học tham gia nhiều giải thi đấu thể thao học sinh toàn quốc đạt 78 huy chương các loại, trong đó có 22 Huy chương Vàng.

Vận động viên Y Wôl Ayun (trái) của chủ nhà Đắk Lắk thi đấu chung kết hạng cân 41 kg tại Hội khỏe Phù Đổng toàn quốc lần thứ X năm 2024, khu vực IV.

* Thời gian thực hiện Đề án sắp kết thúc, theo ông cần làm gì để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác giáo dục thể chất trong trường phổ thông?

Bên cạnh các giải pháp như đẩy mạnh truyền thông, đổi mới phương pháp dạy và học, đầu tư cơ sở vật chất, đa dạng hoạt động thể thao ở các nhà trường, đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên, vốn thuộc trách nhiệm của ngành, thì theo tôi chúng ta cần tạo sự đột phá trong công tác xã hội hóa qua việc huy động các nguồn lực phát triển giáo dục thể chất và thể thao trường học. Bên cạnh đó cũng cần có những chính sách ưu đãi khuyến khích thu hút các nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, cung cấp trang thiết bị, hỗ trợ đào tạo và tổ chức hoạt động thể thao ngoại khóa bởi thực tế không có nguồn lực, cơ sở vật chất đảm bảo thì những giải pháp trên sẽ không phát huy hiệu quả như mong đợi.

* Xin cảm ơn ông!

Đăng Triều (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.