Multimedia Đọc Báo in

Cây gạo làng tôi

07:27, 07/04/2024

Có lẽ chỉ lớp người U60 trở lên ở quê tôi mới nhớ đến cây gạo này.

Đó là một cây gạo cổ thụ, gốc của nó dễ đến hai người ôm không xuể. Chẳng biết nó được trồng từ lúc nào nhưng hồi tóc còn để chỏm, tôi đã thấy nó sừng sững ngay chân đê, nơi đầu dốc con đường từ đê Tả Lam chạy ra làng Yên Tào phía ngoài bãi sông. Cạnh đó, đối diện với cây gạo, phía bên kia đường là cái giếng đất, nơi trữ nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của cả làng mà chiều chiều, tôi vẫn thường được mẹ giao nhiệm vụ gánh nước về đổ cho đầy cái bể khoảng nửa mét khối do cha tôi tự đúc bằng xi măng và cát sỏi.

Hình như đó là cây gạo duy nhất của làng và cũng là to nhất vùng. Hằng năm, mỗi khi cuối xuân, chớm hạ, cây gạo lại trổ hoa sau mấy tháng mùa đông trút lá. Những bông hoa năm cánh rực màu lửa neo giữa không trung. Sắc đỏ trùm lên tán cây cao rộng, nổi bật dưới bầu trời như muốn xua tan đi chút lạnh còn sót lại bởi cái rét tháng ba. Đứng xa cả cây số vẫn nhìn rõ cây gạo như bó đuốc khổng lồ, thắp sáng suốt mùa hoa.

Cây gạo nơi bìa làng quê tôi luôn thu hút sự quan tâm của du khách.

Nhưng ấn tượng trong tôi về cây gạo làng không chỉ có thế.

Hồi ấy, chiến tranh phá hoại miền Bắc của giặc Mỹ diễn ra ác liệt. Quê tôi là một trong những trọng điểm đánh phá của máy bay Mỹ vì nằm trên tuyến đường 15 chi viện cho chiến trường miền Nam.

Góp phần chống chiến tranh phá hoại của giặc Mỹ không chỉ con người mà còn có cả đất trời, cây cỏ quê hương cùng chung sức. Soi Xạ - cánh rừng thu nhỏ của xã ngoài bãi sông với những cây gạo cổ thụ cao vút, thân cây một người ôm không xuể - là nơi chở che cho cơ sở sản xuất đường mía mới sơ tán về. Đê 42 (Tả Lam) là đường hành quân đưa bộ đội ngày đêm vào Nam chiến đấu. Mỗi nhà dân là một “lán trại” cho bộ đội dừng chân nghỉ ngơi, lấy lại sức sau những ngày hành quân đường dài vất vả. Bọn trẻ chúng tôi thì đêm đêm đợi sẵn trên bờ đê giành nhau vác súng, mang ruột tượng gạo giúp các chú bộ đội đỡ vất vả một đoạn đường. Và không thể không kể đến công sức của cây gạo đầu làng.

Chẳng biết tự lúc nào, trên cây gạo cao vòi vọi bỗng xuất hiện một cái chòi phòng không, canh máy bay Mỹ. Cái chòi được làm bằng tre nứa rất chắc chắn, đủ rộng có thể chứa được cùng lúc ba bốn người. Trên nóc chòi mái lá lưa thưa, treo lủng lẳng một mảnh bom phá to hơn cái mo cau dùng để làm kẻng báo động mỗi khi nghe thấy tiếng máy bay giặc rì rì từ hướng biển vọng vào.

Đứng dưới gốc gạo nhìn lên, cái chòi trông thật ngạo nghễ. Nó còn cao hơn cả mặt đê mấy mét, giúp tầm mắt người chiến sĩ dân quân ngày đêm canh máy bay giặc bao quát cả một vùng quê rộng lớn.

Cái chòi phòng không ấy mãi sau này khi chiến tranh kết thúc người ta mới tháo dỡ, trả lại cho cây gạo sự bình yên để hằng năm khi tháng ba đến, nó lại thắp lên đỏ rực những bông hoa lửa mà không sợ máy bay giặc gầm rú, bom đạn giặc thét gào.

Rồi cây gạo làng có một không hai ấy bỗng biến mất khỏi tầm mắt mọi người. Tôi không rõ người ta đốn hạ nó lúc nào vì những năm tháng ấy tôi đã ở nơi tít tắp miền cao nguyên lộng gió. Có lẽ là từ khi chủ trương di dân các làng Yên Tào, Chung Mỹ, Xóm Vụng được thực hiện, đâu như vào đầu năm 1979. Rồi đê Tả Lam cũng được bồi đắp thêm sau trận lụt khủng khiếp tháng 10/1978. Cây gạo làng có lẽ đã hoàn thành sứ mệnh của nó, với bao mùa hoa lửa làm đẹp cho quê hương trong những năm tháng hào hùng chung sức cùng con người bảo vệ làng quê yêu dấu.

Bao giờ đom đóm bay ra

Hoa gạo rụng xuống thì tra hạt vừng

Câu ca ấy đồng vọng trong tôi mỗi khi nhớ đến cây gạo làng của một thời gian khó và ác liệt.

Duy Xuân


Ý kiến bạn đọc


(Infographic) Thư ngỏ vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Đắk Lắk
Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh vừa có Thư ngỏ vận động ủng hộ Quỹ vì người nghèo tỉnh Đắk Lắk hưởng ứng Tháng cao điểm "Vì người nghèo" từ ngày 17/10 đến 18/11/2024.