Multimedia Đọc Báo in

Giữ rừng giữa mùa... “đổ lửa”

08:14, 10/04/2024

Dưới cái nắng nóng oi ả của mùa khô, những cánh rừng khộp (loại rừng rụng lá vào mùa khô) thuộc quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả, huyện Ea H’leo (gọi tắt là Công ty) trơ trụi lá, thảm thực bì khô khốc càng làm cho cảm giác nắng nóng thêm phần khốc liệt hơn.

Trời đã gần trưa, nhóm tuần tra rừng gồm 4 nhân viên quản lý, bảo vệ rừng (QLBVR) thuộc Phân trường 1 của Công ty vẫn miệt mài lội bộ băng ngọn núi, quả đồi để làm nhiệm vụ. Địa hình đồi núi phức tạp, việc tuần tra rừng đa phần đều phải đi bộ, và việc phải di chuyển quãng đường dài, cộng thêm nắng nóng nên ai nấy đều mệt, mồ hôi ướt đẫm cả người.

Tuần tra, bảo vệ rừng trong mùa khô tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả.

Anh Hồ Hữu Hòa, Phân trường trưởng Phân trường 1 cho đoàn nghỉ ngơi một chút để lấy sức đi tiếp. Đưa tay lau những giọt mồ hôi ướt đẫm trên mặt, anh Hòa cho biết, ở đây vào mùa khô, công tác QLBVR vất vả hơn rất nhiều so với mùa mưa.

Hiện nay, Phân trường 1 được giao quản lý hơn 4.700 ha rừng mà chỉ có 5 nhân viên QLBVR. Vào mùa khô, những con đường vào rừng khô ráo, việc đi lại dễ dàng nên người dân thường chọn mùa này để xâm hại rừng. Trong đó, vấn nạn phá rừng, lấn chiếm đất rừng để canh tác vẫn luôn thường trực.

Bên cạnh đó, mùa này cũng là mùa người dân đốt nương làm rẫy, gây nguy cơ cháy lan sang rừng của đơn vị. Chính vì vậy, để bảo vệ an toàn cho những cánh rừng, cán bộ, nhân viên QLBVR phân công nhau đi tuần, kiểm tra thường xuyên các khu vực rừng quản lý, đặc biệt là khu vực có nguy cơ bị xâm hại để kịp thời phát hiện, xử lý hành vi vi phạm lâm luật.

"Với đặc thù công việc giữ rừng là phải thường xuyên, liên tục nên anh em ở đây phải túc trực ngày đêm, vì lâm tặc canh mình, chỉ cần thấy mình lơ là chúng sẽ vào xâm hại rừng”, anh Hòa cho biết thêm.

Dọn thực bì để đốt non trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả.

Còn đối với anh Lê Viết Thành có 15 năm trong nghề giữ rừng ở nơi đây, mỗi lần vào mùa khô anh vẫn có một nỗi ám ảnh không hề nhẹ. “Tuần tra rừng vào mùa mưa mát mẻ còn vã mồ hôi, chứ vào cái mùa khô này, có những lúc giữa rừng nóng gần 40 độ mà cây cối thì trút lá hết không còn bóng để che mát, cảm thấy cơ thể mình như sắp bị nướng chín ấy. Buổi tối ở lại rừng cũng chẳng khá hơn là bao, nhiệt độ vẫn nóng, lại có thêm muỗi rừng bâu vào đốt; không trùm tăng võng lên thì muỗi đốt, mà trùm lên thì nóng như lò hầm, vất vả lắm!”, anh Thành tâm sự. 

Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả quản lý 14.422 ha rừng và đất rừng, trong đó rừng tự nhiên 9.843,9 ha, rừng trồng 1.018,9 ha, còn lại là đất chưa có rừng. Toàn bộ diện tích rừng của Công ty nằm trong địa phận hành chính của xã Ea H’leo (huyện Ea H’leo) giáp ranh với huyện Ea Súp và huyện Chư Pưh (tỉnh Gia Lai). Do diện tích trải rộng, lại tiếp giáp với nhiều khu vực nương rẫy sản xuất của người dân nên việc quản lý rừng gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt vào mùa khô. Hiện nay, Công ty có 27 cán bộ, nhân viên, trừ số người làm việc hành chính, thì mỗi nhân viên bảo vệ rừng phải cáng đáng gần 1.000 ha rừng.

“Công việc thì vất vả, nhưng chế độ cho anh em QLBVR rất thấp, bình quân mỗi tháng lương nhân viên bảo vệ rừng ở đây từ 5 - 7 triệu đồng, trừ tiền ăn uống, xăng xe để đi tuần rừng thì không còn lại được bao nhiêu nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Anh em giữ rừng đang rất cần Nhà nước có những cơ chế đặc thù để hỗ trợ thêm kinh phí, giúp họ có thêm nguồn thu nhập ổn định cuộc sống, yên tâm với công việc giữ rừng”, ông An Ngọc Tân, Giám đốc Công ty kiến nghị.

Nắng nóng, khô khốc, vất vả là vậy, nhưng với những người làm công việc QLBVR của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Chư Phả vẫn luôn miệt mài với công việc. Sáng sớm họ phân công lịch tuần tra trên các tuyến đường; kiểm tra cặn kẽ từng khu vực rừng, những nơi có nguy cơ bị xâm hại. Bởi với họ, khi đã gắn bó với nghề này thì xác định phải dầm mưa, tắm nắng với rừng. Chỉ có như vậy mới bảo vệ được tài nguyên rừng và hệ sinh thái rừng khộp đặc hữu nơi đây.

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.