Multimedia Đọc Báo in

Hiến máu cứu người - nhân lên nghĩa cử cao đẹp

09:36, 07/04/2024

Nhiều năm qua, Đắk Lắk là điểm sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện của cả nước. Hành động hiến máu cứu người đã và đang lan tỏa rộng khắp ở các cấp, ngành, địa phương, tạo nên nghĩa cử cao đẹp trong cuộc sống hằng ngày.

Cho đi là còn mãi

Từng có thể trạng ốm yếu, thường phải đi bệnh viện, bà Bế Thị Huế (Chủ tịch Hội Chữ Thập đỏ huyện Krông Năng) chứng kiến và thương cảm với biết bao bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn cần máu gấp để điều trị. Khi sức khỏe đã ổn định, bà đăng ký và thường xuyên hiến máu mỗi khi địa phương có đợt phát động, hay khi nhận được tin có bệnh nhân cần máu.

Bà Huế tâm sự: "Khi dòng máu chảy trong cơ thể một người là để duy trì sự sống, nhưng cũng dòng máu ấy chảy trong nhiều người thì nó trở thành một làn sóng yêu thương. Tôi muốn những làn sóng ấy được tiếp nối và nhân rộng hơn nữa". Trong những năm dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, các đợt hiến máu tập trung bị hoãn, nguồn máu khan hiếm, phát huy vai trò tiên phong của cán bộ Hội, bà cùng người thân trong gia đình nhiều lần vượt quãng đường 70 km lên Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên hiến máu cứu người bệnh. Đến nay, bản thân bà Huế đã 33 lần hiến máu, cơ thể bà cũng trở nên mạnh khỏe hơn, đó là niềm hạnh phúc vô bờ và cũng là minh chứng cho mọi người xung quanh về lợi ích của hiến máu tình nguyện.

Bà Bế Thị Huế (Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Krông Năng) cùng con trai tham gia hiến máu tình nguyện.

Đã 20 lần tham gia hiến máu tình nguyện, anh Huỳnh Xuân Lợi (Bí thư Đoàn thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar) luôn mong muốn đóng góp sức mình nhiều hơn nữa trong công tác nhân đạo của địa phương. Anh nhớ mãi có lần nhận được tin có ca cấp cứu một bệnh nhân bị sốt xuất huyết đang cần tiểu cầu gấp, anh có nhóm máu tương thích nên đã vội chạy xe lên Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột để hiến tiểu cầu. Thật bất ngờ, bệnh nhân đó là mẹ của thầy giáo cũ. Hai thầy trò gặp lại nhau trong hoàn cảnh hết sức đặc biệt, xúc động không nói nên lời. Lúc ấy, đối với anh, niềm hạnh phúc khi được sẻ chia giọt máu càng nhân lên và ý nghĩa hơn bao giờ hết.

Hiện anh Lợi là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) hiến máu huyện Cư M’gar. Với vai trò thủ lĩnh, anh là một tuyên truyền viên tích cực trong công tác vận động đoàn viên, thanh niên, người dân tham gia hiến máu. Qua đó tập hợp, thu hút 120 thành viên tham gia CLB, sẵn sàng sẻ chia giọt máu của mình. Riêng gia đình, họ hàng của anh Lợi cũng có 5 người thường xuyên tham gia hiến máu.

Lan tỏa làn sóng yêu thương

Để tạo sự lan tỏa mạnh mẽ về công tác hiến máu tình nguyện, Hội Chữ thập đỏ các cấp đã đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức, thu hút sự quan tâm của cộng đồng, xã hội.

Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, từ chỗ không đạt chỉ tiêu hiến máu, đến nay huyện Krông Năng đã trở thành một trong những địa phương vượt chỉ tiêu được giao. Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ huyện Bế Thị Huế cho biết, Hội đã nỗ lực đổi mới hình thức tuyên truyền, cũng như gương mẫu, phối hợp các hội, đoàn thể khác để phong trào hiến máu được lan tỏa sâu rộng.

Nhiều năm qua, Đắk Lắk là điểm sáng trong phong trào hiến máu tình nguyện. (Trong ảnh: Người dân tại TP. Buôn Ma Thuột tham gia hiến máu tình nguyện).

Trong đó, chú trọng vận động qua các trang mạng xã hội (Facebook, Zalo), treo băng rôn ở tất cả các xã khi có đợt hiến máu; đẩy mạnh tuyên truyền cho cán bộ, người dân trong các hội nghị, chương trình do Hội tổ chức. Đồng thời hằng năm tiến hành rà soát, khen thưởng, tôn vinh kịp thời các cá nhân, tập thể tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, khích lệ tinh thần và sự tham gia của đông đảo tầng lớp nhân dân. Nhờ đó, từ vài chục người chủ yếu là cán bộ, công nhân viên chức sống gần trung tâm huyện, nay lượng người tham gia hiến máu lên đến hàng trăm, hàng nghìn người đến từ khắp thôn, buôn vùng sâu, vùng xa. Gần đây nhất, chương trình “Chủ nhật đỏ” tổ chức vào tháng 1 tại huyện Krông Năng đã tiếp nhận 600 đơn vị máu (vượt chỉ tiêu 200 đơn vị máu).

Theo Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ayun H’Hương, những năm qua, phong trào hiến máu tình nguyện trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Trong đó, có nhiều chương trình, chiến dịch triển khai hiệu quả như: “Chủ nhật đỏ”, “Hành trình đỏ”, "Lễ hội Xuân hồng”, “Ngày toàn dân tham gia hiến máu tình nguyện 7/4”… Tỉnh Hội cũng duy trì 8 CLB hiến máu dự bị với 1.300 thành viên, đồng thời củng cố các loại hình CLB, đội hiến máu tình nguyện tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, địa phương…

Trong ba tháng đầu năm 2024, các cấp Hội trên địa bàn tỉnh đã tổ chức 19 đợt hiến máu tình nguyện với hơn 10.000 người tham gia, tiếp nhận được 9.602 đơn vị máu. Riêng tại chương trình “Chủ nhật đỏ” đã tổ chức 8 đợt hiến máu, tiếp nhận 3.678 đơn vị máu (đạt 187% kế hoạch đề ra), đóng góp nguồn máu quan trọng trong phục vụ cấp cứu, điều trị trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

 

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.