Multimedia Đọc Báo in

Người thầy “thắp lửa" niềm say mê môn Lịch sử

07:31, 17/04/2024

Lịch sử thường bị xem là môn học khô khan, nhưng bằng phương pháp giảng dạy mới mẻ, sáng tạo của thầy Dương Anh Hoàn, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) Tây Nguyên, những tiết học môn Lịch sử lại trở nên sống động, hấp dẫn.

Năm 2006, thầy Hoàn về nhận công tác tại Trường PTDTNT Tây Nguyên.

Bằng sức trẻ, niềm say mê, tâm huyết với nghề, thầy luôn trăn trở với việc đổi mới cách thức giảng dạy, giúp học sinh tự học, tự chủ trong khám phá, lĩnh hội kiến thức. Làm sao cho giờ học trở nên sinh động, thu hút sự quan tâm của học sinh là điều thầy Hoàn quan tâm hơn cả.

Thay vì đọc chép, thầy đã ứng dụng công nghệ thông tin, áp dụng phần mềm dạy và học Lịch sử điện tử, dùng hình ảnh, clip, giúp học sinh dễ ghi nhớ sự kiện, cùng các phương tiện trực quan, đồ dùng học tập phục vụ cho tiết học nhằm chủ động khơi gợi sự sáng tạo của học sinh.

Tùy nội dung bài học, thầy giao đề tài cụ thể cho học sinh thực hiện, thuyết trình và dựng lại mô hình những công trình cổ đại, sự kiện, cuộc chiến nổi bật của Việt Nam và thế giới từ những vật liệu đơn giản như giấy tái chế, vỏ chai…

Thầy Dương Anh Hoàn hướng dẫn học sinh tìm hiểu về công trình kim tự tháp Ai Cập thông qua mô hình tự làm.

Vào giờ học, các em được chia nhóm để xây dựng hoạt cảnh, đóng vai nhân vật, tái hiện các sự kiện lịch sử gay cấn, kịch tính hoặc giới thiệu những kiến thức tìm hiểu được; đặt câu hỏi và cùng nhau giải đáp thắc mắc với sự hỗ trợ của thầy.

Những câu chuyện lịch sử thú vị, độc đáo mà thầy sưu tầm qua nhiều cuốn sách, tài liệu quý được lồng ghép trong bài giảng; những chiến thắng lịch sử tưởng chừng khô khan, khó nhớ, khó hiểu được thầy dạy học với lược đồ, mô hình, sa bàn... khiến nội dung bài học trở nên sinh động.

Bên cạnh đó, thầy còn tham mưu với nhà trường tổ chức sân khấu hóa, vẽ tranh lịch sử, tổ chức cho học sinh tham quan tại nhiều địa điểm lịch sử trên địa bàn tỉnh, giúp các em có cái nhìn sâu sắc về quá trình hình thành và phát triển của những địa danh này.

Từ đó, việc dạy học môn Lịch sử trong nhà trường có sự chuyển biến tích cực, chất lượng ngày càng nâng cao, học sinh hào hứng với môn học.

Từ năm 2018 đến nay, thầy liên tục đứng lớp bồi dưỡng cho học sinh giỏi trong các đội tuyển của trường, thành phố và đã có hơn 30 học sinh đạt thành tích cao trong cuộc thi học sinh giỏi môn Lịch sử các cấp.

Là một trong những học sinh được thầy Hoàn hướng dẫn trong suốt bốn năm qua, em Tô Trúc Ngân, học sinh lớp 9A5 chia sẻ: “Thầy Hoàn luôn tận tình chỉ dạy cho em mọi kiến thức và sẵn sàng giải đáp những thắc mắc trong và ngoài giờ học. Nhờ sự dẫn dắt của thầy, trong hai cuộc thi học sinh giỏi môn Lịch sử cấp thành phố và cấp tỉnh năm 2024, em đều đoạt giải Nhất”.

Với những nỗ lực của mình, thầy Hoàn đã đạt được nhiều thành tích như 8 lần đạt giải Sáng kiến kinh nghiệm cấp Sở (trong đó đạt 1 giải A năm 2021), được công nhận giáo viên giỏi cấp tỉnh...

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.