Multimedia Đọc Báo in

Bên ly cà phê trong Dinh Thống Nhất…

10:33, 01/05/2024

TP. Hồ Chí Minh có cả vạn quán cà phê, nhưng tôi thường hẹn bạn bè ở cà phê Dinh. Cà phê Dinh là cách gọi quán cà phê nằm trong khuôn viên dinh Thống Nhất - nơi đã trở thành di tích lịch sử kể từ sau ngày 30/4/1975.

Mỗi lần ngồi cà phê ở đó, ngước nhìn về tòa dinh thự bề thế nơi từng là đầu não của chế độ Sài Gòn, tôi vẫn nghĩ sẽ ra sao nếu không có ngày 30/4/1975?

Mùa hạ năm 1975, thế hệ chúng tôi đang vào tuổi lên 10. Và may mà chiến tranh đã kết thúc vào ngày 30/4/1975. Bởi nếu chiến tranh chỉ kéo dài thêm dăm bảy mùa hè nữa, thì có thể mọi chuyện đã khác đi.

Những đứa bé tầm tuổi thiếu nhi như chúng tôi, dăm bảy năm sau sẽ đủ tuổi để buộc phải cầm súng. Chỉ cần nghĩ như thế, bên ly cà phê trong làn gió xao xác qua tàng cây cổ thụ trong khuôn viên dinh hôm nay là đủ để thấm thía hai từ “hòa bình”!

Dinh Thống Nhất.
Dinh Thống Nhất.

Năm trước, cũng đang lúc ngồi cà phê Dinh thì chúng tôi nhận được bản tin chiến sự khơi mào ở Ukraine. Và dài đến hôm nay, sau hơn hai năm, ở một góc trời Ukraine, súng bom vẫn cướp đi bao nhiêu sinh mạng dân lành.

Sinh ra ở Quảng Trị, từ lúc 6 - 7 tuổi tôi đã nếm trải chiến tranh từ mùa hè 1972, rồi những tháng ngày tao loạn dài dằng dặc cho đến tháng 4/1975. Cứ nghe tới chiến tranh, ký ức tuổi thơ trong tôi lại ào về. Tôi tìm thấy tuổi thơ tôi trong dòng lưu dân trên những thước phim chiến sự còn lưu trên YouTube. Những đứa trẻ ngác ngơ giữa chiến tranh, mà nhờ một phép màu nào đó, tôi đã may mắn không phải nằm trong những bức ảnh tang thương kia - bức ảnh với xác những đứa trẻ nằm xếp lớp bên con đường quốc lộ số 1 từ Quảng Trị vào Huế.

Tôi đã tần ngần rất lâu trước một tấm hình chụp con đường đi ngang bưu điện tỉnh Quảng Trị bây giờ.

Tấm hình của năm 1972 ấy là hình ảnh một thị trấn tang thương đổ nát. Còn bây giờ, quanh khu vực đó ngày nào cũng tấp nập hình ảnh những em bé mặc đồng phục tới trường.

Nhà tôi ở cạnh cả ba ngôi trường: Trường Mầm non Hoa Sen, Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, Ttrường THCS Nguyễn Trãi. Và niềm vui mỗi ngày của tôi là được nhìn những đứa bé ríu ran đến trường; cả gương mặt rạng rỡ của những ông bố, bà mẹ ngày ngày đưa con đi học.

Dường như rất ít người nhận ra, rằng hạnh phúc lớn lao nhất nằm trong sự bình thường ấy. Có đi qua tao loạn đạn bom, mới thấy chỉ riêng việc mỗi ngày bình yên được đưa con đến trường là hạnh phúc vô giá.

Hơn nửa thế kỷ trước, cũng lứa tuổi này bao đứa bé thời chiến đã đi vào câu thơ Tố Hữu “chào các em, những đồng chí tương lai/ mang mũ rơm đi học đường dài”.

Đấy là câu chuyện về những thế hệ học trò đất Bắc đến trường dưới bom đạn, lớp học là căn hầm chữ A và những câu thơ của cậu bé Trần Đăng Khoa ngày nào vẫn vương mùi khói bom: “Em nghe như Bác dạy lời/ Cháu ơi đừng có chơi bời đâu xa/ Trồng rau, quét bếp, đuổi gà/ Thấy tàu bay Mỹ nhớ ra hầm ngồi..” (Góc sân và khoảng trời).

Trong ký ức tuổi thơ tôi, nỗi ám ảnh thường trực là bom đạn. Căn hầm đào ngay dưới giường nằm, đang ngủ rất yên lành bỗng mẹ bật dậy ôm lấy tôi lăn vội xuống hầm khi tiếng súng vang đâu đó. Năm tôi lên 6 tuổi, quân giải phóng đánh mạnh trên chiến trường Quảng Trị, cả làng dắt díu nhau chạy tránh đạn bom.

Pháo từ đâu câu đến giữa dòng người đang chạy, khi ấy cái cống thoát nước bên dưới lòng đường quốc lộ bỗng trở thành nơi trú ẩn.

Bà nội tôi và mấy mẹ con dắt díu nhau chạy bộ từ Cam Lộ vào tận Huế, băng đồng mà đi, mệt đâu ngủ đấy, đói ở đâu thì xin ăn ở đấy, thằng em trai chưa đầy hai tháng tuổi của tôi mấy lần uống no nước khi mẹ tôi bế nó lội vượt ào qua những khe suối sâu ngập quá đầu mẹ…

Đôi chân thơ bé của tôi không đủ sức chạy theo, bà nội tôi kiếm đâu đôi quang gánh ai vứt bỏ ở vệ đường rồi bỏ tôi vào một đầu thúng, đầu kia phải bỏ thêm hòn đá cho thăng bằng mà gánh tôi đi.

Sau này tôi theo gia đình xiêu tán theo nhiều cuộc tao loạn khác; những ngày tạm cư ở vùng đồi Câu Nhi giáp vùng giải phóng Quảng Trị, cả nhà tôi thường xuyên sống dưới hầm.

Căn hầm bé tí dưới căn nhà tôn tạm bợ, không ngày nào không nghe những tiếng pháo vọng về từ miệt miền tây Trị Thiên, những cuốn truyện cổ tích cha tôi mua cho tôi đọc hình như chẳng có cho tôi một giấc mơ hoàng tử hay công chúa nào cả, khi ấy tôi chỉ có một ước mơ vô cùng lớn là cả nhà có một căn hầm thật chắc chắn, thật an toàn, đầy đủ lương thực cho cả nhà tôi sống trọn đời trong đó.

Rất nhiều lần ngồi bên ly cà phê ở Dinh, giữa những ngày tháng Tư của Sài Gòn, tôi luôn bị những thước phim ký ức chiến tranh thức dậy như thế để hiểu mỗi ngày bình yên không bom đạn là niềm hạnh phúc thiêng liêng đến ngần nào!

Cũng như mạ tôi, ở tuổi gần chín mươi, cứ mỗi lần thấy trên ti vi những đạn bom đâu đó xa xôi, những chuyện khủng bố ở xứ này xứ khác, những cái chết của dân lành vô tội... lại bảo tắt tôi tắt ti vi.

Chiến tranh với mạ tôi đã quá đủ hơn nửa chặng đời, và bây giờ những đứa cháu nội ngoại mỗi ngày quây quần bên bà dưới tán cây xanh mát trong mảnh vườn nhỏ chứ không phải ngồi dưới căn hầm với ầm ì tiếng bom pháo vọng về. Với mạ tôi, đấy đã là hạnh phúc...

Lê Đức Dục


Ý kiến bạn đọc