Dạy nghề để bảo tồn nghề dệt thổ cẩm truyền thống
Huyện Cư M’gar có đến 47,93% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, trong đó dân tộc Êđê chiếm đa số.
Dệt thổ cẩm là nghề truyền thống, là nét văn hóa đặc sắc của đồng bào Êđê. Tuy nhiên, hầu hết nghệ nhân dệt truyền thống trên địa bàn huyện đều lớn tuổi, trong khi đó người trẻ lại không “mặn mà” với nghề.
Trước thực tiễn đó, những năm qua, cấp ủy, chính quyền địa phương luôn trăn trở tìm hướng đi cho nghề dệt truyền thống, trong đó đào tạo, dạy nghề dệt thổ cẩm để duy trì, bảo tồn nét văn hóa đặc sắc của dân tộc, cải thiện thu nhập cho bà con là giải pháp được địa phương chú trọng thực hiện.
Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện (GDNN-GDTX) cho biết, từ năm 2012 đến nay, đã có 8 lớp dạy nghề dệt thổ cẩm truyền thống của đồng bào Êđê được khai giảng, với gần 300 học viên theo học.
Ở những lớp dạy nghề này, các học viên được nghệ nhân truyền dạy kỹ năng dệt cơ bản, cách lên khung, xếp sợi để tạo hình hoa văn và tạo khổ dệt một sản phẩm cụ thể. Qua đó không chỉ tạo ra sản phẩm hàng hóa có giá trị, tăng thu nhập cho người dân mà còn góp phần từng bước khôi phục, lan tỏa nghề truyền thống ở địa phương.
Học viên lớp dạy nghề dệt thổ cẩm ở xã Ea Tar (huyện Cư M'gar). |
Cuối tháng 3/2024, có hai lớp dạy nghề dệt thổ cẩm miễn phí cho lao động nông thôn được tổ chức tại xã Ea Tar và Ea Tul - hai địa phương có đông đồng bào DTTS sinh sống. Mỗi lớp có hơn 30 học viên tham gia, 100% là phụ nữ dân tộc Êđê, do ba nghệ nhân trực tiếp truyền dạy về: kỹ năng dệt, cách trang trí hoa văn, cách chọn gam màu, thiết kế các mẫu váy, áo, túi xách thổ cẩm với xu hướng đang thịnh hành trên thị trường.
Gần hai tháng nay, nhiều phụ nữ ở xã Ea Tar hào hứng tập trung về Nhà sinh hoạt cộng đồng buôn Drai Xí để học nghề dệt truyền thống. Chị H'Loang Niê (buôn Drai Xí) chia sẻ, gia đình chị thuộc hộ cận nghèo, vợ chồng đi làm thuê kiếm sống qua ngày, nuôi hai con nhỏ, thu nhập rất bấp bênh. Khi biết mình thuộc đối tượng được ưu tiên nhận hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, chị đăng ký học nghề dệt thổ cẩm do Trung tâm GDNN-GDTX huyện tổ chức. Chị mong muốn kiếm thêm thu nhập từ nghề dệt truyền thống để gây dựng kinh tế gia đình, thoát nghèo.
Xã Ea Tul có đến hơn 90% đồng bào DTTS sinh sống, phần lớn là dân tộc Êđê. Nhằm lưu giữ nghề dệt truyền thống, chính quyền địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động bà con, khuyến khích các bà, các mẹ dạy con cháu mình cách sử dụng khung cửi, dệt các đường nét hoa văn thổ cẩm ngay từ nhỏ để nghề dệt truyền thống không bị mai một.
Cùng với việc phối hợp mở các lớp dạy nghề truyền thống, vận động phụ nữ đi học, xã Ea Tul cũng thành lập Tổ hợp tác “Liên kết sản phẩm thổ cẩm” để chia sẻ kinh nghiệm trong sản xuất, tạo ra sản phẩm chất lượng và thúc đẩy đầu ra, kết nối tiêu thụ sản phẩm dệt của chị em.
Lớp dạy nghề dệt thổ cẩm tại xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) thu hút đông đảo học viên tham gia. |
Theo bà H'Hương Niê, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Ea Tul, trước đây sản phẩm dệt thổ cẩm làm ra chủ yếu phục vụ nhu cầu trong gia đình. Từ khi đẩy mạnh việc đào tạo nghề truyền thống, sản phẩm thổ cẩm đã được mang ra trao đổi, mua bán trên thị trường. Từ nghề này đã tạo việc làm cho chị em với mức thu nhập từ 2 - 3 triệu đồng/người/tháng. Nhờ đó đã giúp nghề dệt truyền thống của đồng bào Êđê tại các xã trên địa bàn huyện dần “sống” lại. Từ nghề phụ lúc nông nhàn, nay nghề dệt thổ cẩm đang dần trở thành nghề chính, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho không ít gia đình ở địa phương.
Chị H'Djun Niê (ở xã Ea Tul) học viên lớp nghề dệt thổ cẩm K6 năm 2022 trò chuyện, khi lớn lên chị cũng được mẹ và bà dạy cho cách dệt thổ cẩm, nhưng qua thời gian, công việc, cuộc sống khiến chị bị quên lãng. Khi tham gia lớp học nghề tại địa phương, chị có cơ hội học hỏi kỹ năng hoàn thiện sản phẩm, tạo ra những sản phẩm thổ cẩm có giá trị kinh tế. Từ chỗ còn e ngại, chị mạnh dạn nhận các đơn hàng về nhà làm, thu nhập mỗi tháng trên 3 triệu đồng.
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cư M’gar, để bà con gắn bó với nghề dệt thổ cẩm còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bên cạnh chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nghề, cần tăng cường công tác quảng bá, giới thiệu sản phẩm, đẩy mạnh liên kết thúc đẩy đầu ra, đồng thời kết nối với các đơn vị, nhà phân phối tạo điều kiện cho bà con tiêu thụ sản phẩm. “Một khi sản phẩm tiêu thụ tốt thì nghề dệt mới được duy trì, giữ gìn, phát huy” – ông Hải nhấn mạnh.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc