Multimedia Đọc Báo in

“Điều đó tùy thuộc hành động của bạn…”

09:08, 13/05/2024

Những năm gần đây, tình trạng hạn hán, thiếu nước sinh hoạt ngày càng khốc liệt ở nhiều nơi. Vấn đề ở đây là chúng ta có thể hành động để thay đổi, hay im lặng để sống chung với nỗi khổ sở này?

Năm 2024 ghi nhận tình trạng nắng nóng gay gắt ở nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Việt Nam, hàng loạt địa phương có nhiệt độ cao nhất trong nhiều năm. Hạn hán, nhiễm mặn, thiếu nước sản xuất, sinh hoạt, căng thẳng nhất là ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ. Hồ đập cạn khô, ruộng đồng nứt nẻ. Hàng vạn héc-ta cây trồng khô héo trong cơn hạn, nhiều hộ dân chật vật với tình trạng thiếu nước. Hạn hán, thiếu nước, mà nói rộng hơn là tình trạng biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của con người, dẫn đến mất mùa, đói kém, tha hương…

Các đại biểu tham quan mô hình trồng lúa giảm phát thải carbon tại xã Bình Hòa, huyện Krông, Ana
Các đại biểu tham quan mô hình trồng lúa giảm phát thải carbon tại xã Bình Hòa (huyện Krông Ana).

Hạn hán lâu nay là hiện tượng bình thường của tự nhiên. Tuy nhiên, chính con người với mưu cầu cuộc sống của mình đã làm cho hạn hán ngày thêm trầm trọng. Đó là tình trạng phá rừng, sản xuất nông nghiệp ồ ạt, những nhà máy công nghiệp xả khói ra môi trường hay rác thải nhựa từ sinh hoạt gây hiệu ứng nhà kính... Từ hiện tượng "thiên tai", hạn hán, thiếu nước trở thành vấn đề "nhân tai". Người dân tìm cách ứng phó với tình trạng này bằng cách khoan giếng sâu hơn, đắp đập ngăn suối lấy nước tưới. Những giải pháp này chỉ giải quyết vấn để mang tính tạm thời, thậm chí về lâu dài còn có thể khiến hạn hán, thiếu nước thêm trầm trọng.

Con người không thể thay đổi tự nhiên, không thể làm cho trái đất này chấm dứt hạn hán. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể giảm nhẹ tình trạng này để bớt đi những thiệt hại mà lẽ ra không phải chịu. Giải pháp chính là thực hiện việc phòng, chống hạn hán một cách có hiệu quả, sử dụng hợp lý tài nguyên nước trong sản xuất cũng như trong sinh hoạt. Yếu tố hết sức quan trọng là sản xuất nông nghiệp bền vững bằng việc canh tác thân thiện với môi trường, giảm lượng giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, nước tưới. Đây là xu hướng tất yếu trong tương lai và hiện đã bắt đầu được thực hiện bằng những mô hình sản xuất giảm phát thải carbon từ cây lúa, cà phê, rừng…

Rất hợp lý khi Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường do Thủ tướng Chính phủ phát động năm nay có chủ đề “Đảm bảo cấp nước sạch an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu”. Các hoạt động hưởng ứng được triển khai từ ngày 29/4 đến ngày 6/5/2024, có thể kéo dài đến Ngày Môi trường thế giới 5/6/2024 và lồng ghép với các sự kiện, các ngày lễ lớn khác. Chiến dịch này nhằm mục đích nâng cao hiểu biết, trách nhiệm, sự tham gia của người dân, hộ gia đình, cộng đồng, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và chính quyền địa phương trong việc thúc đẩy thực hiện cấp nước an toàn, bảo vệ nguồn nước, đảm bảo đủ nước sạch cho người dân, nhất là những khu vực chịu ảnh hưởng của nắng nóng, hạn hán, thiếu nước, nhiễm mặn; đồng thời, đảm bảo vệ sinh môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống và đảm bảo mục tiêu phát triển bền vững.

Những giải pháp phòng, chống hạn hán, thiếu nước như sản xuất nông nghiệp bền vững, cấp nước an toàn thích ứng với biến đổi khí hậu đòi hỏi sự đồng bộ của các cấp, các ngành và cả cộng đồng. Mỗi cá nhân trong khả năng, điều kiện thực tế của mình có thể chung tay làm cho trái đất thêm khỏe mạnh bằng cách áp dụng 10 hành động mà các chuyên gia, nhà khoa học đã đưa ra: Tiết kiệm năng lượng, sử dụng phương tiện ít ô nhiễm, hạn chế thực phẩm từ thịt, giảm thiểu rác thải, mua sắm thông minh, trồng nhiều cây xanh, sử dụng năng lượng tái tạo, tham gia các hoạt động vận động, tiết kiệm nước, sống lối sống đơn giản.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc