Multimedia Đọc Báo in

Nâng cao hiệu quả kết nối cung - cầu lao động

15:26, 14/05/2024

Lao động của Đắk Lắk có nhu cầu tìm việc tăng; vị trí trống trong doanh nghiệp cần tuyển dụng nhiều, song cung - cầu lao động lại chưa gặp nhau. Vậy, đâu là nguyên nhân? 

Sau đây là trao đổi giữa phóng viên Báo Đắk Lắk với ông LÊ HẢI LÝ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk (thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội) xung quanh nội dung này.

Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk Lê Hải Lý.
Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk Lê Hải Lý.

*Ông đánh giá thế nào về thị trường lao động Đắk Lắk từ đầu năm 2024 đến nay?

Qua thống kê, từ đầu năm 2024 đến nay có 1.114 lao động đăng ký tìm việc làm tại Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk, tăng 2,29 lần so với cùng kỳ năm 2023 (485 người), chủ yếu tập trung vào lực lượng lao động phổ thông (662 người, chiếm 59,42%); có 531 lượt đơn vị, doanh nghiệp (DN) có nhu cầu tuyển dụng 7.947 lao động, giảm 33,66%.

Các đơn vị, DN chủ yếu tuyển dụng lao động phổ thông với 6.681 người (chiếm tỷ lệ 84%). 

Kết quả đã có 696 lượt lao động tìm được việc làm sau giới thiệu, tăng 12,62% so với cùng kỳ năm 2023. 

Như vậy, vị trí việc làm trống các đơn vị, DN cần tuyển dụng rất lớn so với nhu so với nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động.  

*Như ông trao đổi các vị trí việc làm trống khá lớn so với nhu cầu tìm kiếm việc làm của người lao động, song các đơn vị, DN vẫn gặp khó khăn trong tuyển dụng. Vậy, đâu là nguyên nhân dẫn đến việc cung - cầu lao động "chưa gặp nhau"?

Đúng vậy, hiện nay vị trí trống cần tuyển dụng ở các đơn vị, DN qua Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk còn hơn 7.000 việc làm (chủ yếu ở các tỉnh phía Nam), trong khi gần 50% lao động có nhu cầu tìm việc của tỉnh (qua Trung tâm) vẫn chưa tìm được việc làm. Mặc dù vậy, các đơn vị, DN, rất khó tuyển dụng được lao động Đắk Lắk, do một số nguyên nhân sau:

Người lao động đang có sự so sánh về mức tiền công hằng ngày được thuê hái cà phê, hái tiêu, đặc biệt là sầu riêng... với tiền lương công nhân hằng tháng chênh lệch khá cao. 

Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Ngày hội tư vấn việc làm năm 2024 tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột.
Người lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại Ngày hội tư vấn việc làm năm 2024 tổ chức ở TP. Buôn Ma Thuột.

Cụ thể, giá thuê nhân công hái tiêu, hái cà phê, hái sầu riêng..., bình quân khoảng 300.000 đồng/ngày, có thời điểm, có nơi gần 400.000 đồng/ngày; điều kiện làm việc gần nhà, tiết kiệm được nhiều khoản sinh hoạt phí. Làm công nhân ở các tỉnh, thành phố mức lương khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, có những vị trí lương 10 triệu đồng/tháng, nhưng phải tuân thủ nghiêm ngặt về giờ giấc, kỷ luật lao động, làm việc theo dây chuyền, chi phí sinh hoạt xa nhà đắt đỏ; còn lương công nhân tại Đắk Lắk chỉ khoảng 4,5-6 triệu đồng/tháng.

Công bằng mà nói, tiền lương công nhân hiện nay (dù ngoài tỉnh hay trong tỉnh) thấp hơn so với mặt bằng mức sống của người dân Đắk Lắk nên chưa thu hút, hấp dẫn được người lao động. Dẫn đến cung - cầu lao động "chưa gặp nhau".

Thêm một nguyên nhân nữa chúng tôi thấy, mặc dù các đơn vị, DN tuyển dụng nhiều vị trí việc làm và có mở rộng các thị trường, nhưng đang có sự sàng lọc lại lao động. Điều này có nghĩa khi đại dịch COVID-19 chấm dứt, xã hội trở lại trạng thái bình thường, các đơn vị, DN quay trở lại hoạt động cần rất nhiều lao động để đẩy mạnh sản xuất bù đắp lại lượng hàng thiếu hụt do nghỉ trong một thời gian dài; còn gần đây trong bối cảnh khó khăn chung của tình hình thế giới, khu vực và trong nước, các đơn vị, DN có ý định giảm, thu hẹp quy mô sản xuất.

Các đơn vị, DN vẫn tuyển dụng lao động, nhưng yêu cầu cao hơn với những lao động có trình độ, đặc biệt là tay nghề, kinh nghiệm. Trong khi đó, số lượng lao động của tỉnh Đắk Lắk cần tìm kiếm việc làm hơn 70% là lao động phổ thông và đặc thù của lao động này muốn làm việc gần nhà, tự do để có thời gian chăm sóc rẫy vườn, nhất là giai đoạn cà phê, hồ tiêu, sầu riêng đang được giá. 

* Vậy Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk sẽ có những thay đổi, đổi mới như thế nào nhằm làm tốt vai trò chắp nối cung - cầu lao động, thưa ông?  

Với vai trò là cầu nối, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk đã nỗ lực đưa thông tin tìm kiếm việc làm của người lao động đến với DN và ngược lại. Mục đích cuối cùng Trung tâm hướng đến là người lao động - DN gặp được nhau, hợp tác, đi đến xây dựng hợp đồng lao động. Do đó chúng tôi xác định đẩy mạnh cung cấp thông tin là nhiệm vụ chính, xuyên suốt.

Song song với việc duy trì các kênh truyền thống như: tờ rơi, pano, áp phích, cung cấp thông tin thị trường lao động cho chính quyền các địa phương hằng tháng, tổ chức phiên giao dịch việc làm, ngày hội việc làm, chúng tôi sẽ tiếp tục "làm mới" nội dung, hình thức thông tin trên website, các nền tảng xã hội: zalo, facebook của Trung tâm; đồng thời tập trung tuyên truyền theo nhóm đối tượng, ví dụ: tổ chức các sự kiện lớn tư vấn, hướng nghiệp việc làm cho đoàn viên, thanh niên, sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp.

Đơn cử đầu tháng 5/2024,Trung tâm đã phối hợp với UBND TP. Buôn Ma Thuột tổ chức Ngày hội việc làm năm 2024, thu hút hơn 600 người lao động, chủ yếu là đoàn viên, thanh niên trên địa bàn thành phố tham gia. Ở Ngày hội tư vấn việc làm Trung tâm tập trung tư định hướng vấn nghề nghiệp, cung cấp các thị trường lao động, cung cấp các ngành nghề DN đang cần tuyển dụng để các em sinh viên tiếp tục theo đổi học tập cao hơn hoặc kiếm được việc làm phù hợp với năng lực, trình độ, ngành nghề đã học để không lãng phí nhân lực đã đào tạo.

Trước đó, Trung tâm Dịch vụ việc làm Đắk Lắk và Trung tâm Đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk (Trường Đại học Tây Nguyên) đã ký kết Thỏa thuận hợp tác về công tác tư vấn, giới thiệu việc làm trong 5 năm (2023 - 2028). Sắp tới, Trung tâm sẽ ký kết hợp tác với Trường Trung cấp Đắk Lắk. Việc hợp tác này, nhằm phát huy thế mạnh của mỗi  đơn vị, qua đó sẽ nâng cao hiệu quả trong công tác hỗ trợ và giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. 

Còn ở các xã vùng sâu, vùng xa chúng tôi sẽ cung cấp những thông tin về thị trường lao động, chủ yếu là thị trường lao động trong tỉnh, những vị trí tuyển dụng lao động phổ thông, các khu công nghiệp, chế xuất, như vậy mới phù hợp với nhu cầu thực tế.

Song song với đó, chúng tôi lồng ghép tuyên truyền các chế độ, chính sách về việc làm, về xuất khẩu lao động để tham gia vào thị trường lao động đạt kết quả cao hơn.

 *Xin cảm ơn ông!

Nguyên Thắm (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.