Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư M’gar: Đa dạng phương thức đào tạo nghề cho lao động nông thôn

08:27, 24/06/2024

Công tác đào tạo nghề được huyện Cư M’gar triển khai với nhiều hình thức, giải pháp hợp lý, tạo điều kiện cho lao động nông thôn có thêm kiến thức, lựa chọn nghề nghiệp phù hợp với năng lực học tập, điều kiện thực tế của gia đình, địa phương.

Ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện cho biết, đào tạo nghề cho lao động ở địa phương được thực hiện trên cơ sở khảo sát nhu cầu học nghề của lao động gắn với các công việc họ đang làm để mở lớp dạy nghề, hướng đến mục tiêu tạo việc làm phù hợp.

Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Cư M'gar phối hợp với doanh nghiệp tư vấn, định hướng nghề nghiệp cho học viên.

Là huyện có thế mạnh về nông nghiệp, đặc biệt khi sầu riêng Cư M’gar đã được công bố nhãn hiệu thì việc đào tạo nghề, dạy nghề để nông dân ứng dụng, làm ra sản phẩm nông nghiệp an toàn, chất lượng cung ứng thị trường đang được huyện quan tâm.

Theo đó, nhiều lớp đào tạo các nghề nông nghiệp như: Trồng, chăm sóc cây cà phê, hồ tiêu, cao su, cây ăn trái… thường xuyên được huyện tổ chức. Qua đó, cung cấp kiến thức để người dân có kỹ thuật canh tác, đáp ứng yêu cầu của thị trường, nâng cao thu nhập trên cùng một diện tích đất, góp phần giải quyết việc làm tại địa phương.

Riêng nghề trồng, chăm sóc, khai thác mủ cao su, huyện phối hợp với doanh nghiệp ở lĩnh vực này tổ chức đào tạo, sau đó doanh nghiệp tiếp nhận lao động vào làm công nhân hoặc bao tiêu sản phẩm đối với các hộ liên kết. Do đó, trên 90% lao động học nghề có việc làm ổn định, đáp ứng được các yêu cầu cần thiết trong công việc.

Huyện Cư M’gar có đến hơn 46% dân số là đồng bào DTTS sinh sống. Bên cạnh tổ chức dạy nghề nông nghiệp, các lớp dạy nghề phi nông nghiệp như: xây dựng dân dụng, dệt thổ cẩm, nấu ăn… cũng được thường xuyên tổ chức. Nhờ đa dạng ngành nghề đào tạo mà lao động, nhất là lao động vùng đồng bào DTTS của huyện đã có việc làm, thu nhập ổn định từ ngành nghề đã học.

 

Trên cơ sở kế hoạch tổ chức đào tạo nghề từng năm, Trung tâm bố trí đội ngũ viên chức, giáo viên về các thôn, buôn phối hợp với chính quyền các xã, thị trấn tổ chức tuyên truyền, tư vấn về ngành nghề đào tạo, chương trình đào tạo, chính sách ưu đãi của Đảng, Nhà nước về đào tạo nghề, hướng dẫn thủ tục đăng ký học nghề. Cách làm này đã giúp người lao động nắm bắt, hiểu rõ thông tin, từ đó tham gia học nghề hiệu quả”.

 
Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Cư M'gar Nguyễn Xuân Hải

Tại xã Ea Tul và Ea M’droh, có không ít hộ khó khăn được học các nghề phù hợp và ứng dụng vào sản xuất, góp phần giảm nghèo bền vững. Như chị H’Nhao Kbuôr (dân tộc Êđê), thuộc diện khó khăn ở xã Ea M’droh, được tham gia học nghề dệt thổ cẩm năm 2023. Hoàn thành khóa học, chị tranh thủ thời gian nông nhàn dệt váy áo thổ cẩm truyền thống, giỏ xách…, vừa tăng thêm thu nhập gần 3 triệu đồng/tháng, vừa bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc.

Song song với đó, công tác tư vấn, tuyên truyền về việc làm - dạy nghề được huyện Cư M’gar tích cực thực hiện bằng nhiều hình thức để tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về học nghề.

“Trung tâm đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dạy nghề và giải quyết việc làm sau đào tạo nghề bằng nhiều hình thức như: tổ chức hội nghị tuyên truyền chính sách đào tạo nghề cho lao động nông thôn; lồng ghép hướng dẫn, tập huấn chuyên môn về các nghề đào tạo, đẩy mạnh thông tin về nhu cầu việc làm, thị trường lao động và tuyển sinh học nghề; tổ chức ngày hội giới thiệu việc làm; phối hợp với các doanh nghiệp, đơn vị tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho các em học sinh khối THPT”, ông Nguyễn Xuân Hải, Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện cho biết.

Lao động nữ xã Ea Tul (huyện Cư M'gar) tham gia lớp đào tạo nghề dệt thổ cẩm năm 2024.

Từ năm 2019 đến nay, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đã tổ chức đào tạo 11 lớp sơ cấp nghề cho 380 lao động nông thôn, trong đó có đến hơn 98% học viên là người DTTS; tổ chức 20 lớp tập huấn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trồng cho 1.127 lượt người.

Thời gian tới, huyện Cư M’gar tiếp tục huy động sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh, đổi mới công tác tuyên truyền, vận động để người dân hiểu ý nghĩa thiết thực và tích cực tham gia học nghề; bảo đảm việc làm cho người lao động sau đào tạo nghề, gắn đào tạo nghề với phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu lao động ở địa phương.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.