Multimedia Đọc Báo in

Huyện M’Drắk: Vẫn nhức nhối nạn tảo hôn

08:40, 26/06/2024

Tảo hôn và sinh đông con là thực trạng diễn ra từ nhiều năm nay ở huyện M’Drắk, nhất là ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số… Dù cơ quan chức năng đã triển khai nhiều biện pháp song tình trạng tảo hôn vẫn nhức nhối.

Cư San là xã vùng 3, cách trung tâm huyện M’Drắk khoảng 50 km, với dân số khoảng 8.800 người, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 100% (phần lớn là đồng bào Mông, Dao di cư từ phía Bắc vào). Ý thức chấp hành Luật Hôn nhân và gia đình cũng như việc thực hiện chính sách dân số của người dân còn hạn chế.

Tình trạng tảo hôn và sinh đông con nơi đây vẫn xảy ra phổ biến trong nhiều năm nay. Theo thống kê, từ năm 2021 đến 2023, toàn xã có 35 trường hợp tảo hôn, 71 trường hợp sinh con thứ ba trở lên, thậm chí có những cặp vợ chồng sinh từ 6 - 7 người con trở lên; tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo toàn xã chiếm 68,4%, tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể cân nặng chiếm 20,5%, chất lượng dân số thấp.

Ông Trần Văn Kiên, Chủ tịch UBND xã Cư San cho biết: “Pháp luật quy định rất rõ việc xử phạt các trường hợp lấy vợ, lấy chồng khi chưa đủ tuổi theo quy định nhưng người dân ở đây thường che giấu; một số người lấy vợ, lấy chồng và sinh con nhưng không khai sinh cho con đã ảnh hưởng đến các quyền lợi của trẻ em”.

Chị Triệu Thị Nái (viên chức dân số xã Cư San) tư vấn cho người dân hệ lụy của tảo hôn và sinh đông con.

Em Giàng Thị Ly (xã Cư San) mới 14 tuổi đã bỏ học lấy chồng; đến nay 19 tuổi, Ly đã sinh 2 người con, trong đó, đứa con đầu 2 tuổi, còn đứa thứ hai mới được 1 tháng tuổi. Nghỉ học sớm nên kiến thức về chăm sóc trẻ sơ sinh cũng như sự hiểu biết về các biện pháp tránh thai hiện đại của Ly rất hạn chế. Sinh con sớm, đẻ dày nên Ly chỉ ở nhà chăm con, chồng của Ly là Thào Seo Mùa thường xuyên đi làm thuê, làm mướn song thu nhập bấp bênh nên gia đình luôn thiếu trước hụt sau.

Hay như Giàng Thị Say (cũng ở xã Cư San) vừa tảo hôn, vừa sinh rất nhiều con. Lấy chồng được 6 năm, Say lần lượt sinh 5 người con (trung bình 14 tháng Say lại sinh con). Cả nhà Say chen chúc trong ngôi nhà đơn sơ được dựng lên bằng những miếng gỗ tạp; đàn con nheo nhóc từ khi sinh ra đã thiếu cả cái ăn lẫn cái mặc nên chuyện học hành có lẽ khó được quan tâm, chăm lo.

Không riêng gì ở xã Cư San, tình trạng tảo hôn, sinh con thứ ba trở lên xảy ra ở nhiều địa phương trong huyện, nhất là ở vùng dân tộc thiểu số và dân di cư ngoài kế hoạch. Giai đoạn 2021 - 2023, toàn huyện có 56 trường hợp tảo hôn và 502 trường hợp sinh con thứ ba trở lên. 

Nhiều trẻ em ở xã Cư San bị suy dinh dưỡng.

Với mục tiêu cải thiện giống nòi và nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn huyện M’Drắk giai đoạn 2021 - 2025, hằng năm, Trung tâm Y tế huyện thường xuyên phối hợp với các phòng, ban, đoàn thể ở địa phương đẩy mạnh tuyên truyền bằng nhiều hình thức về Luật Hôn nhân và gia đình, hậu quả của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống, thúc đẩy bình đẳng giới…

Cùng với đó, vận động những người có uy tín trong cộng đồng, chức sắc tôn giáo, già làng, trưởng buôn vào cuộc để tuyên truyền, ngăn chặn tình trạng tảo hôn. Bên cạnh tổ chức các buổi truyền thông tại trạm y tế và nhà văn hóa cộng đồng, đội ngũ viên chức y tế - dân số còn tích cực phối hợp với các trường học nói chuyện chuyên đề về sức khỏe sinh sản vị thành niên/thanh niên; tư vấn cho các em học sinh về sự thay đổi tâm sinh lý ở tuổi dậy thì, các vấn đề về tình bạn khác giới và tình yêu lành mạnh, những hệ lụy của tảo hôn và kết hôn cận huyết thống.

Nhờ những giải pháp trên, tình trạng tảo hôn ở huyện M’Drắk đã có chiều hướng giảm xuống: Năm 2021 trên địa bàn huyện có 28 trường hợp tảo hôn, năm 2022 có 17 trường hợp và năm 2023 có 11 trường hợp. Tuy nhiên, từ đầu năm 2024 đến nay đã xảy ra 7 trường hợp tảo hôn.

Để chấm dứt tình trạng này, rất cần sự vào cuộc đồng bộ của các cấp, các ngành địa phương trong việc triển khai các giải pháp; thực hiện đa dạng các hoạt động truyền thông có chiều sâu theo phương châm “mưa dầm thấm lâu”, từng bước cải thiện dịch vụ về y tế - dân số, nhất là việc chăm sóc sức khỏe sinh sản cho vị thành niên; đồng thời thực thi nghiêm minh chế tài xử phạt những trường hợp vi phạm Luật Hôn nhân và gia đình nhằm ngăn chặn tảo hôn…

Thảo Nguyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.