Những kỷ niệm khó quên với Báo Đắk Lắk
LTS: Báo Đắk Lắk có hàng trăm cộng tác viên trong và ngoài tỉnh, dù công tác ở các lĩnh vực khác nhau nhưng họ cùng có chung niềm đam mê viết báo. Trong những năm qua, các cộng tác viên như những “cánh tay nối dài” của báo ở các ngành, lĩnh vực, địa phương với những bài viết phản ánh đa dạng các vấn đề, góp phần mang lại những thông tin phong phú, kịp thời đến bạn đọc.
Dưới đây là bài viết của anh Mai Viết Tăng (huyện Krông Bông) và Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon (tỉnh Đắk Nông), hai cộng tác viên thân thiết viết về những kỷ niệm khi cộng tác với Báo Đắk Lắk…
Nhớ mãi lần đầu viết báo
Năm 1972, khi học phổ thông, do có một chút năng khiếu về văn chương, tôi đã chọn học ban C với ước mơ sau này trở thành nhà báo. Nhưng rồi, cuối năm 1976 gia đình tôi đi kinh tế mới tại huyện vùng sâu H9 - Krông Bông, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” khiến cho ước mơ đó cũng vụt tắt theo…
Tác giả Mai Viết Tăng xem lại những tờ báo phát hành năm 1995,1996. |
Năm 1995, nhân kỷ niệm 30 năm giải phóng H9 - Krông Bông, Đài Truyền thanh - Truyền hình huyện phát động cuộc thi viết về vùng đất, con người H9, tôi mạnh dạn viết bài dự thi. Bài viết của tôi được trao giải Nhất; và rồi, ước mơ viết báo được nhen nhóm trở lại, đi đến đâu, gặp bất cứ hình ảnh nào, trong đầu tôi cũng lóe lên đề tài cho một bài báo.
Một hôm, trên đường từ huyện về ngang qua đoạn Hố Kè (xã Hòa Lễ, huyện Krông Bông), nhìn thấy những chiếc xe “bò ma” vận chuyển gỗ, cày xới nát con đường, người lưu thông qua đoạn đường này vô cùng khó khăn, tôi nảy ra ý tưởng viết một bài báo phản ánh tình trạng này với tựa đề “Nỗi đau một con đường” gửi Báo Đắk Lắk. Thế là, đêm về dưới ngọn đèn dầu le lói, tôi ngồi viết miệt mài, viết rồi sửa, sửa đi sửa lại nhiều lần, đến khi hoàn chỉnh tôi ra bưu điện gửi bài… Ngày đó, Báo Đắk Lắk mỗi tuần chỉ xuất bản 3 số báo in vào thứ ba, thứ năm và chủ nhật, nên tôi thấp thỏm ngóng mong từng ngày. Đề tài “nóng” nên bài gửi đi khoảng ba ngày thì được Ban Biên tập chọn đăng. Bài báo vừa phát hành đã mang lại hiệu ứng tích cực, nhiều cán bộ huyện, trong đó có cả cán bộ Ban Tuyên giáo Huyện ủy cầm tờ báo gặp tôi khen, động viên. Cảm giác của tôi lúc đó sung sướng đến tột cùng, pha lẫn một chút hãnh diện.
Được tiếp thêm động lực, tôi hăng hái viết bài cộng tác với mong muốn đem đến cho độc giả những thông tin chính xác, kịp thời, mang đậm hơi thở cuộc sống tại cơ sở. Sau bài đăng đầu tiên, đều đặn tuần nào những “đứa con tinh thần” của tôi cũng được xuất hiện trên các trang báo. Như một nghề tay trái, những lúc rảnh rỗi tôi lại đạp xe vào các buôn, làng tìm thông tin viết bài… Hằng tháng, tòa soạn đều gửi định hướng cho cộng tác viên để viết bài đúng nội dung yêu cầu, nhờ vậy mà cộng tác viên ít "khát" đề tài.
Bây giờ, Báo Đắk Lắk đã phát triển lớn mạnh rất nhiều. Báo đã xuất bản 6 số/tuần và Nguyệt san hằng tháng, không chỉ báo in mà còn có cả báo điện tử; đội ngũ phóng viên được đào tạo chuyên môn bài bản. Để đáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của bạn đọc, các bài viết của cộng tác viên chúng tôi vẫn được tòa soạn trân trọng tin đăng. Đặc biệt, để các cộng tác viên gửi bài kịp thời, thuận lợi hơn, tòa soạn đã đưa vào ứng dụng phần mềm hệ thống quản lý để tiếp nhận tin, bài và trao đổi với các tác giả. Cộng tác viên chúng tôi có thể theo dõi bài viết của mình đã được xử lý đến bước nào và xử lý ra sao; những bài chưa đạt yêu cầu được Ban Biên tập ghi chú phản hồi để tác giả bổ sung, chỉnh sửa giúp chúng tôi rút ra những kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp.
Đến nay, tôi đã có gần 30 năm là cộng tác viên của Báo Đắk Lắk, với hàng trăm tin, bài được đăng. Mỗi bài viết, mỗi lần đi cơ sở đều là một dấu ấn khó quên…
Niềm vui khi trở thành cộng tác viên của Báo Đắk Lắk
Năm đang học lớp 12, tôi viết truyện ngắn mang tên “Con Mực” gửi Báo Đắk Lắk cuối tuần. Hồi đó tôi chỉ gửi bản thảo viết tay, bỏ vào phong bì thư, dán tem bên ngoài rồi gửi theo đường bưu điện đến tòa soạn. Ban Biên tập Báo Đắk Lắk khi ấy đã giúp tôi gọt dũa câu văn, và chọn đăng truyện ngắn của tôi. Truyện được đăng khiến tôi vô cùng vui sướng, hãnh diện; song, sau đó, do hoàn cảnh gia đình nên tôi không thể theo học chuyên ngành báo chí để thực hiện mơ ước của mình.
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành Sư phạm Ngữ văn, tôi chính thức trở thành thầy giáo công tác tại một trường THPT trên địa bàn tỉnh Đắk Nông. Vì đam mê nên thỉnh thoảng tôi cũng viết bài cộng tác để gửi tới một số cơ quan báo chí trong cả nước. Nhưng tờ báo mà tôi có duyên nhiều nhất, nhận được sự quan tâm góp ý của đội ngũ ban biên tập và được chọn đăng nhiều tác phẩm nhất chính là Báo Đắk Lắk.
Tác giả Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon. |
Là người Việt gốc Lào – Thái, có lần tôi tham dự lễ hội Tết té nước của dân tộc Lào tại huyện Buôn Đôn, tại đây tôi đã gặp được phóng viên của nhiều cơ quan báo chí đến tác nghiệp, tôi chợt nhận ra mảng đề tài về văn hóa dân tộc Lào - Thái chính là thế mạnh của mình. Thế là tôi bắt đầu viết, gửi bài đến Báo Đắk Lắk. Sau một thời gian gửi đi, các bài viết như: “Nét đẹp lễ hội Bunpimay của người Lào”, “Lễ Vu Lan của người Lào”, “Nỗi niềm tháp cổ bên dòng Nậm Nơn”, “Cảm xúc Mường Lay”... được báo chọn đăng khiến tôi vui mừng khôn xiết.
Vì không có kiến thức về nghiệp vụ báo chí nên tôi không nắm được cách viết "tản văn" thì phải như thế nào, viết “bản tin” ra sao, song tôi cứ viết bằng sự đam mê của mình, phản ánh đúng sự kiện, hiện tượng một cách khách quan, chân thực. Sau khi đọc bài viết đăng trên báo và so sánh với bản thảo của mình, tôi nhận ra rằng mình còn sa đà vào bình luận văn chương. Để bài viết đạt yêu cầu chất lượng, Ban Biên tập đã giúp tôi gọt dũa trau chuốt câu chữ sao cho phù hợp với nội dung và dung lượng của tờ báo. Nhờ vậy, tôi nhận ra rằng: viết báo cần cô đọng, hàm súc và quan trọng nhất là phải nêu rõ được sự kiện; viết theo ngôn ngữ báo chí tránh rườm rà, dông dài.
Một cái khó nữa của người viết không chuyên như tôi chính là chất lượng hình ảnh minh họa cho bài viết. Nhiều ảnh tôi chụp bằng điện thoại hoặc xin lại của người khác qua các ứng dụng mạng xã hội dẫn đến chất lượng ảnh chưa đạt yêu cầu. Ban Biên tập Báo Đắk Lắk đã gửi email, thậm chí gọi điện trao đổi tôi phải lưu ý điều này để bài viết của mình đạt chất lượng tốt nhất. Cũng nhờ sự trao đổi đó mà tôi mới nhận thức được rằng để đáp ứng yêu cầu của một tác phẩm báo chí thì bài viết cần phải đầu tư cả hình ảnh minh họa.
Mỗi bài đăng, tòa soạn Báo Đắk Lắk đều gửi báo biếu đến tận nhà riêng cho tác giả. Những tờ báo ấy tôi đều trân trọng, nâng niu, lưu giữ thật kỹ như một kỷ niệm đẹp. Mỗi khi đồng nghiệp vui đùa gọi là “nhà báo”, tôi nhận ra đôi mắt mình đang ánh ngời lên niềm tự hào. Vui hơn cả là mỗi khi nhận nhuận bút, mời cả đồng nghiệp đi “khao”, có khi bù thêm tiền túi mà vẫn dâng trào hạnh phúc. Đó là niềm hạnh phúc khi được góp phần nhỏ bé của mình vào sự phát triển của báo chí nước nhà, là niềm tự hào khi được giới thiệu những nét đẹp văn hóa của dân tộc mình đến với bạn đọc gần xa, góp phần tô điểm cho vườn hoa văn hóa Việt Nam với 54 sắc màu rực rỡ.
Mai Viết Tăng – Khăm Kẹo Tha Na Sủn Thon
Ý kiến bạn đọc