Phòng, chống đuối nước ở trẻ em: Cần chủ động trang bị kỹ năng ứng phó
Tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có tai nạn đuối nước luôn là mối lo thường trực, nhất là vào mỗi dịp hè, khi trẻ ít chịu sự giám sát chặt chẽ của người lớn.
Liên tiếp xảy ra tai nạn đuối nước
Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh ghi nhận hơn 10 trường hợp tử vong do tai nạn đuối nước. Hồi cuối tháng 1/2024, một nhóm học sinh Trường Tiểu học - THCS Hoàng Hoa Thám (xã Ea Hiao, huyện Ea H’leo) rủ nhau ra đập nước trên địa bàn thôn 7 của xã (cách trường khoảng 6 km) để tắm, do mực nước sâu nên bốn em đã bị đuối nước tử vong, trong đó có hai chị em ruột.
Đầu tháng 3, hai anh em họ là M.B. (9 tuổi) và T.B. (7 tuổi) dắt nhau ra chơi ven hồ Lắk (thị trấn Liên Sơn, huyện Lắk) đã không may đuối nước dẫn đến tử vong.
Gần đây nhất, liên tiếp trong hai ngày 18 và 19/5 xảy ra hai vụ đuối nước làm bốn cháu nhỏ tử vong, đó là hai cháu M.T.Q. (5 tuổi) và H.T.N.T. (6 tuổi), cùng trú xã Ea Tir (huyện Ea H’leo) đuối nước tại ao chứa nước phục vụ sản xuất của người dân trên địa bàn xã; hai cháu H.T.H. (13 tuổi) và H.Z.H. (10 tuổi), cùng trú buôn H'đơk, xã Ea Kao (TP Buôn Ma Thuột) đuối nước khi tắm tại hồ gần đó...
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) tham gia Chương trình Phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước. |
Theo thống kê của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2021 - 2023, toàn tỉnh có 216 trẻ em bị tử vong do tai nạn thương tích thì có 181 trường hợp đuối nước (chiếm tỷ lệ 83,7%). Hầu hết các vụ đuối nước xảy ra ở khu vực nông thôn, nguyên nhân chủ yếu là do trên địa bàn tỉnh có nhiều ao, hồ, sông, suối, đập thủy lợi; cha mẹ mải mưu sinh, không có thời gian quản lý, chăm sóc trẻ; trẻ lại có bản tính hiếu động, tò mò, thích khám phá nhưng chưa nhận thức đầy đủ, không lường hết mối nguy hiểm có thể xảy ra…
Theo ông Nguyễn Trần Ngọc Nhân, Phó Trưởng Phòng Bảo trợ xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội, trẻ tử vong do tai nạn đuối nước xảy ra trên địa bàn tỉnh phổ biến vào hai thời điểm: sát tết âm lịch và bắt đầu vào mùa hè. Hiện nay học sinh bắt đầu nghỉ hè, các em thường rủ nhau đi chơi cũng làm gia tăng nguy cơ đuối nước.
Chủ động trang bị kỹ năng ứng phó với rủi ro
Để phòng, chống đuối nước, tai nạn thương tích cho trẻ em, các cấp, ngành đã triển khai nhiều biện pháp nhằm tạo thế chủ động từ người dân, nhất là trẻ em như: dạy bơi; dạy kỹ năng sống; kỹ năng phòng, chống đuối nước…
Học sinh huyện Cư M'gar thực hành kỹ năng hô hấp nhân tạo cứu người bị đuối nước. |
Giai đoạn 2019 - 2023, Tổ chức Chiến dịch Vì trẻ em không thuốc lá triển khai dự án Phòng, chống đuối nước trẻ em tại huyện Ea Kar, Cư M’gar. Qua đó đã dạy kỹ năng bơi, an toàn trong môi trường nước cho 8.000 trẻ (từ 6 đến dưới 16 tuổi); 3.550 cha mẹ, giáo viên… |
Tháng 4 vừa qua, Trường Tiểu học Ngô Quyền (TP. Buôn Ma Thuột) đã tổ chức chương trình phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước. Theo đó, học sinh, giáo viên trong trường đã được nắm bắt các kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước; thực hành ứng phó với một số tình huống có nguy cơ đuối nước...
Em Vũ Trịnh Nhã Ngôn, lớp 4B chia sẻ: “Em được thực hành kỹ năng ứng cứu trong trường hợp có người đuối nước. Cụ thể là đừng vội nhảy xuống cứu người mà phải kêu to để người lớn chú ý đến cứu; đồng thời, tìm các vật dụng dễ nổi như phao, bóng… ném xuống cho người bị đuối bám vào”.
Trường Tiểu học Lý Tự Trọng, xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) tổ chức hai lớp dạy bơi miễn phí cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn trong năm học 2023 – 2024 này. Theo đó, lớp học được tổ chức đều đặn vào chiều thứ Tư, thứ Sáu hằng tuần với 30 học sinh tại bể bơi Trường Tiểu học Bế Văn Đàn trên địa bàn xã. Theo thầy Nguyễn Đình Ngư, giáo viên môn Giáo dục thể chất (Trường Tiểu học Lý Tự Trọng) trực tiếp phụ trách lớp học bơi thì trên địa bàn xã Ea Kuêh có rất nhiều ao, hồ, các em học sinh có thể dễ dàng đến tắm, bơi, tiềm ẩn nguy cơ đuối nước. Qua lớp học bơi này, các em biết được cách thức bơi, cứu đuối, kỹ năng sinh tồn… Khi có trường hợp đuối nước xảy ra, các em biết cách để tự cứu bản thân và người khác.
Theo Sở lao động – Thương binh và Xã hội thì để phòng, chống đuối nước hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng thì quan trọng nhất vẫn là sự quan tâm, giám sát từ phía gia đình. Cụ thể là cha mẹ và trẻ phải nhận biết rõ vùng có nguy cơ dẫn đến đuối nước để tránh các rủi ro; nhóm trẻ dưới 6 tuổi phải luôn có cha mẹ bên cạnh; nhóm trên 6 tuổi học kỹ năng an toàn trong môi trường nước và có sự giám sát của người lớn...
Các biện pháp cơ bản phòng, tránh tai nạn đuối nước Tỉnh Đắk Lắk có hệ thống sông, suối, thác, hồ khá nhiều; đồng nghĩa với nguy cơ đuối nước luôn rình rập, đặc biệt là vào mùa hè nóng bức khi học sinh được nghỉ hè, nhu cầu tắm mát tăng cao. Phòng Cảnh sát phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ (PCCC – CNCH) - Công an tỉnh khuyến cáo các cơ quan, tổ chức, người dân áp dụng một số các biện pháp cơ bản phòng, chống tai nạn đuối nước như sau: Các cơ quan, tổ chức, hộ gia đình cần nâng cao nhận thức về nguy hiểm của đuối nước, thường xuyên tuyên truyền, giáo dục kiến thức phòng, chống đuối nước cho mọi người, đặc biệt là trẻ em. Cha mẹ cần giám sát con em chặt chẽ, không cho trẻ chơi đùa gần ao, hồ, sông, suối, dạy trẻ biết cách tự bảo vệ bản thân khi ở gần nguồn nước. Lắp đặt biển cảnh báo, biển cấm tại các khu vực nguy hiểm như sông, suối, ao, hồ sâu... Làm rào chắn, chặn lối vào các khu vực nguy hiểm; đậy nắp kín các dụng cụ chứa nước như thùng, bể, lu... khi không sử dụng, đặc biệt là nhà có trẻ nhỏ. Lưu ý các dòng nước nguy hiểm tại các bãi biển. Tăng cường tổ chức các lớp học bơi và kỹ năng tự cứu cho mọi người, đặc biệt là trẻ em; trang bị kiến thức sơ cấp cứu ban đầu như hô hấp nhân tạo, ép tim ngoài lồng ngực... cho mọi người. Khởi động kỹ trước khi bơi để tránh co cơ; không sử dụng rượu, bia, chất kích thích… trước khi xuống nước; mặc áo phao khi bơi hoặc đi trên các phương tiện giao thông đường thủy. Chỉ nên tắm biển gần bờ và tại các khu vực được phép. Nguyễn Xuân Vinh
|
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc