Multimedia Đọc Báo in

Sự thật sau những phiên livestream tỷ đồng

09:04, 23/06/2024

Thời gian gần đây, mạng xã hội liên tiếp xuất hiện những người nổi tiếng bán hàng trong những phiên livestream (phát video trực tiếp) hàng tỷ đồng trên TikTok Shop gây thắc mắc, lo ngại cho hộ kinh doanh, người tiêu dùng và đặt ra vấn đề quản lý của cơ quan chức năng.

Con số thật hay ảo?

Khoảng từ giữa năm 2023 đến nay, những người tham gia mạng xã hội TikTok không còn xa lạ với những phiên livestream được đầu tư bài bản và chiến dịch truyền thông rầm rộ. Với sự xuất hiện của những người nổi tiếng, ca sĩ, diễn viên… trong các phiên livestream đã giúp lượt xem và mua tăng lên đáng kể.

Đỉnh điểm nhất là mới đây, chiến dịch công bố doanh thu trong suốt thời gian diễn ra livestream của một số người nổi tiếng khiến dư luận xôn xao bởi con số “khủng” lên tới hàng chục, hàng trăm tỷ đồng.

Người tiếp thị liên kết khoe doanh thu hàng chục tỷ đồng trong một phiên livestream bán sản phẩm trên TikTok Shop. Ảnh: Facebook

Thực tế, trước khi tổ chức các phiên livestream bán hàng, chủ kênh TikTok đã đầu tư xây dựng chiến dịch quảng bá với những teaser (clip ngắn) giới thiệu trước các sản phẩm để thu hút người xem đăng ký tham gia, như đến nhà máy sản xuất để nhãn hàng cam kết tung giá độc quyền 1 nghìn đồng, 9 nghìn đồng, 99 nghìn đồng…

Những chủ kênh TikTok này không cần đăng ký kinh doanh, cũng không cần nhập hàng về bán như đại lý mà sẽ làm trung gian giới thiệu sản phẩm của nhãn hàng đến người mua (hay còn gọi là tiếp thị liên kết), sau đó nhận hoa hồng từ phần trăm tổng doanh số bán được. Nhiều người đã chấp nhận hưởng hoa hồng ít để có sản phẩm giá tốt, giảm sâu nhằm thu hút khách hàng. Do đó, các sản phẩm trên livestream đều có giá rẻ hơn thị trường.

Cùng với đó, sự tiện lợi của giao hàng miễn phí tận nhà đã khiến hiệu ứng “săn sale” (giảm giá) bùng nổ, “cơn bão” xem và lượt mua của khách hàng tăng lên. Theo ghi nhận, các phiên livestream sẽ tạo một giỏ hàng với nhiều sản phẩm của các nhãn hàng khác nhau để giới thiệu. Mỗi mặt hàng được người livestream giới thiệu với giá tốt trong vài phút cũng có thể đạt được số lượng hàng nghìn lượt mua. Bởi vậy, tổng doanh thu hàng tỷ đồng là điều đương nhiên.

Việc quản lý thuế ra sao?

Với doanh thu “khủng” như vậy nên bài toán đặt ra là làm sao để khoản thu nhập này được kê khai đúng, đủ, hợp lý, tránh thất thu cho ngân sách và đảm bảo quyền lợi, nghĩa vụ của những người tham gia?

Tại Điều 14, Nghị định 65/2013/NĐ-CP về quy định chi tiết một số điều của Luật Thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế TNCN đã quy định biểu thuế lũy tiến từng phần áp dụng đối với thu nhập tính thuế từ kinh doanh, thu nhập từ tiền lương, tiền công. Theo đó, tùy theo mức thu nhập mà cá nhân nộp thuế sẽ phải chịu thuế suất 7 bậc từ 5 - 35%. Do đó, người làm tiếp thị liên kết không đăng ký kinh doanh sẽ phải đóng thuế TNCN dựa trên doanh thu hoa hồng theo bảng biểu thuế lũy tiến.

Một phiên livestream bán quần áo của người nổi tiếng trên Tiktok Shop. Ảnh: Tiktok

Thế nhưng, tiền nộp thuế của những người này không phải là toàn bộ doanh thu của phiên bán hàng mà chỉ tính trên cơ sở phần thu nhập được nền tảng thương mại điện tử chi trả. Cụ thể, thu nhập của người tiếp thị liên kết sẽ được tính dựa trên tỷ lệ phần trăm của doanh thu thực tế từ mỗi phiên livestream. Phần trăm hoa hồng lại dựa vào mức thương lượng của người livestream với nhãn hàng. Chẳng hạn, bình thường những người này sẽ nhận được khoảng 15% hoa hồng từ doanh thu sản phẩm bán ra được, nhưng khi muốn có giá tốt cho khách hàng, họ buộc phải thương lượng giảm xuống còn khoảng 7 - 8%. Như vậy, rất khó để có thể điều tra được doanh thu thực tế của các cá nhân hoạt động tiếp thị liên kết trong lĩnh vực này. 

Trước thực trạng trên, ngày 6/6/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 56/CĐ-TTg chỉ đạo bộ trưởng các bộ: Công Thương, Tài chính, Quốc phòng, Công an, Thông tin và Truyền thông; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải quyết liệt chỉ đạo tăng cường công tác quản lý nhà nước trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Tổng cục Thuế cũng đã ban hành Công điện số 01/CĐ-TCT, ngày 4/6/2024 đến các cục thuế tỉnh và doanh nghiệp để tập trung triển khai rà soát, kiểm tra đồng bộ, toàn diện việc kê khai, nộp thuế, sử dụng hóa đơn điện tử của tổ chức, hộ, cá nhân, kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử, tiếp thị liên kết, cung cấp các sản phẩm nội dung thông tin số và nhận thu nhập từ hoạt động quảng cáo, cung cấp phần mềm, đặc biệt là tổ chức, cá nhân kinh doanh online, livestream bán hàng...

Thiện Nhân


Ý kiến bạn đọc