Multimedia Đọc Báo in

Sức hút từ đổi mới công tác hội

08:38, 05/06/2024

Tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng các mô hình phù hợp, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Ea Kar đã thu hút, tập hợp được hội viên, xây dựng tổ chức hội vững mạnh.

Xã Ea Đar có hai buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Phụ nữ của hai buôn phần lớn không có việc làm ổn định, chủ yếu sống bằng nghề nông nên chị em có tâm lý e ngại, rụt rè trong các hoạt động phong trào.

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Ea Đar H’Cir Mlô cho biết: Để trả lời cho câu hỏi của đại đa số chị em “vào hội được lợi gì”, Hội LHPN xã đã kết nối, hỗ trợ thực hiện hai mô hình nuôi dê sinh sản, sau đó nhân rộng ra các chi hội.

Đồng thời, hỗ trợ cho hội viên tham gia cuộc thi khởi nghiệp do Hội LHPN huyện tổ chức, tạo điều kiện cho hội viên, chị em phụ nữ trong xã học tập, thi đua, phát triển kinh tế, đổi mới cách làm, tích cực xây dựng những mô hình hay, hiệu quả để nhân rộng.

Các mô hình này đều được hội gắn với các phong trào, cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, gia đình “5 có, 3 sạch” xây dựng nông thôn mới, thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong phát triển kinh tế của hộ phụ nữ dân tộc thiểu số.

Hội cũng phối hợp vận động, thành lập đội chiêng nữ, đội văn nghệ, thể thao, tạo “sân chơi” cho chị em giao lưu, bảo tồn bản sắc văn hóa. Nhờ vậy, ở nhiều thôn, buôn, tỷ lệ phụ nữ tham gia tổ chức hội đạt từ 70% đến trên 90%.

Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp do Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Ea Kar tổ chức.

Chị H’Liđa M’lô ở buôn Tơng Sinh (xã Ea Đar) chia sẻ: Vào hội có rất nhiều lợi ích, hội viên thuộc hộ nghèo được hỗ trợ bò, dê sinh sản để làm sinh kế và hướng dẫn cách thức chăn nuôi. Đối với nhiều gia đình hội viên trong chi hội, ai ốm đau thì chi hội kêu gọi chị em giúp thu hoạch nông sản; gia đình có ma chay, cưới hỏi thì chị em chung tay vào hỗ trợ, rất đoàn kết. Hội viên còn được tuyên truyền pháp luật, phổ biến kiến thức nuôi dạy con cái, vun đắp hạnh phúc gia đình.

Cán bộ Hội LHPN xã Ea Đar (huyện Ea Kar) cùng cấp ủy buôn Tơng Sinh khảo sát, nắm bắt tâm tư,nguyện vọng của phụ nữ trong buôn.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Kar Vũ Thị Thanh Giang cho biết, tùy vào điều kiện cụ thể và đặc điểm dân cư, hội phụ nữ các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Ea Kar đã có cách làm phù hợp nhằm thu hút, tập hợp hội viên như: tổ chức hội cấp trên đã tham dự sinh hoạt tại các chi, tổ hội trung bình, yếu nhằm hướng dẫn kỹ năng; hỗ trợ xây dựng các mô hình; khai thác và quản lý các nguồn vốn vay hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức về pháp luật, chăm sóc sức khỏe, thăm hỏi động viên, tặng quà cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, trao học bổng cho học sinh nghèo…

Đối với các nhóm phụ nữ khó tập hợp như nữ thanh niên, phụ nữ cao tuổi, phụ nữ tiểu thương buôn bán nhỏ, các cấp hội đã thành lập các mô hình, câu lạc như: “Ngôi nhà xanh”, “Gia đình an toàn, xanh, sạch, đẹp, bản sắc”, “Mẹ đỡ đầu”, “Tổ tư vấn pháp luật”, “Tổ hòa giải”, “Phụ nữ với kiến thức pháp luật”… thu hút chị em tham gia.

Bên cạnh đó, việc chú trọng tập huấn nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ công tác hội, nhất là cho cán bộ ở cơ sở; phân công cán bộ phụ trách địa bàn, đồng hành cùng cơ sở trong mọi hoạt động, phong trào… cũng là những giải pháp góp phần tích cực phát triển, thu hút hội viên vào tổ chức hội.

Hội LHPN huyện Ea Kar hiện có 18 tổ chức cơ sở hội, có 22.802/36.758 phụ nữ tham gia sinh hoạt hội (chiếm tỷ lệ 62% phụ nữ toàn huyện). Đến nay, toàn huyện có 12/16 tổ chức cơ sở hội có tỷ lệ tập hợp trên 60% phụ nữ tham gia tổ chức hội; 8/220 chi hội có tỷ lệ tập hợp trên 90% phụ nữ tham gia tổ chức hội, đạt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Phụ nữ huyện Ea Kar lần thứ IX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đề ra.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.