Multimedia Đọc Báo in

Tập trung giải quyết việc làm cho người lao động

08:47, 16/06/2024

Giải quyết việc làm cho người lao động là giải pháp quan trọng trong công tác giảm nghèo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Thời gian qua, tỉnh Đắk Lắk đã tập trung triển khai nhiều giải pháp giúp người lao động tìm kiếm việc làm, nâng cao thu nhập.

Phóng viên Báo Đắk Lắk đã có cuộc trao đổi với ông NGUYỄN HOÀNG GIANG, Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) chung quanh vấn đề này.

Ông Nguyễn Hoàng Giang.

* Ông đánh giá như thế nào về thị trường lao động của tỉnh và nhu cầu tuyển dụng lao động của các ngành, nghề hiện nay?

Thị trường lao động tại Đắk Lắk tương đối phong phú với đa dạng ngành nghề, loại hình như: Lao động nông thôn, lao động chất lượng cao (giáo viên ngoại ngữ người nước ngoài), công nhân nhà máy... Tuy nhiên, nhu cầu lao động tại tỉnh lại hạn chế. Phần lớn lao động của tỉnh làm việc tại các nhà máy, khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai...

Việc đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động của tỉnh đều đáp ứng được nhu cầu của thị trường. Qua theo dõi, rà soát cho thấy, tỉnh Đắk Lắk không có người lao động thất nghiệp dài hạn. Tuy nhiên, có những thời điểm nhiều vị trí việc làm thiếu nguồn lao động, đặc biệt vào mùa vụ thu hoạch nông sản, thường xảy ra tình trạng thiếu lao động cục bộ trong một thời gian ngắn.

Yêu cầu về trình độ, kỹ năng nghề của người lao động ngày càng cao nên tỉnh Đắk Lắk đã chủ động triển khai, vận dụng các nguồn vốn thực hiện hiệu quả nhiều giải pháp để đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động.

* Vậy kết quả giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn tỉnh thời gian qua như thế nào thưa ông?

Kết quả giải quyết việc làm của tỉnh trong thời gian qua khá khả quan. Riêng 6 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh có 16.300 lao động được giải quyết việc làm, bằng 53,97% kế hoạch (KH); trong đó xuất khẩu 600 lao động, đạt 35,2% KH.

Có được kết quả trên là nhờ tỉnh ta đã đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chính sách hỗ trợ việc làm của Đảng, Nhà nước để người lao động nắm bắt; kêu gọi, thu hút nhiều nhà đầu tư đến tỉnh xây dựng dự án, thành lập doanh nghiệp (DN) tạo việc làm cho người lao động; tăng cường khảo sát, nắm bắt nhu cầu tuyển dụng của DN giúp tư vấn giới thiệu việc làm phù hợp cho người lao động; đưa người lao động của tỉnh đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng; thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng về hỗ trợ việc làm cho người lao động.

Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh (thuộc Sở LĐ-TB&XH) tư vấn, giới thiệu việc làm cho người lao động.

Bên cạnh kết quả đạt được vẫn còn một số tồn tại, hạn chế trong công tác giải quyết việc làm, đó là phần lớn lao động người dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh thích làm việc ở gần nhà, trong khi điều kiện kinh tế - xã hội ở các địa phương không đồng đều, đặc biệt là ở các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, nhiều ngành nghề chưa phát triển. Vì vậy rất khó khăn trong giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động DTTS.

Thêm một tồn tại, mặc dù Đảng và Nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ người lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động DTTS đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng như: hỗ trợ chi phí học nghề, học ngoại ngữ, tiền ăn trong thời gian học; chi phí khám sức khỏe, làm hộ chiếu, visa; hỗ trợ vay vốn để trang trải các chi phí ban đầu nhưng người lao động thuộc các đối tượng này vẫn chưa mạnh dạn tham gia.

* Là tỉnh có nguồn lao động dồi dào với khoảng 1,2 triệu người trong độ tuổi lao động. Sở LĐ-TB&XH đã đề ra những giải pháp nào để tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ lao động địa phương tìm kiếm việc làm ổn định, nâng cao chất lượng cuộc sống?

Năm 2024, tỉnh phấn đấu tạo việc làm cho hơn 30.000 người lao động tại địa bàn, đặc biệt là đồng bào DTTS. Tỷ lệ lao động thất nghiệp khu vực thành thị đạt 2,45%. Để đạt được mục tiêu này, các cơ sở đào tạo nghề cần nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng yêu cầu của DN, đào tạo theo đơn đặt hàng, nhu cầu thực tế của DN; về phía người lao động cần rèn luyện, trau dồi trình độ chuyên môn kỹ thuật, kỹ năng nghề và tích cực, chủ động tìm kiếm việc làm, chấp nhận làm việc trái nghề khi cần thiết. Đặc biệt nâng cao năng lực hoạt động của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin để tư vấn, giới thiệu, cung ứng lao động.

Bên cạnh đó, các DN cần duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả. Chi trả tiền lương, thưởng và các chế độ phúc lợi khác đầy đủ cho người lao động để họ yên tâm làm việc ổn định, lâu dài. Đặc biệt, các cấp ngành, địa phương phải đẩy mạnh tuyên truyền để người lao động biết, hiểu rõ chính sách hỗ trợ vay vốn của Nhà nước. Từ đó, tiếp cận được nguồn vốn vay đúng đối tượng, trong đó chú trọng đến nguồn vốn cho vay đi làm việc nước ngoài theo hợp đồng.

* Xin cảm ơn ông!

Như Quỳnh (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc