Multimedia Đọc Báo in

Đã lâm vào cảnh bất hạnh, lại bị lừa sạch tiền hỗ trợ

08:23, 05/07/2024

Tai họa vừa xảy ra khi chồng và con trai thương vong sau vụ tai nạn giao thông, nỗi bất hạnh lại ập đến với chị Hoàng Thị Hạnh (SN 1980, trú thôn 9, xã Hòa Phú, TP. Buôn Ma Thuột) bởi toàn bộ số tiền do các nhà hảo tâm hỗ trợ, giúp đỡ đã bị kẻ xấu lừa đảo lấy hết.

Nén những giọt nước mắt, chị Hạnh kể: Rạng sáng 21/6, chồng chị cùng con trai (18 tuổi) điều khiển xe máy chở rau đi bán như thường lệ thì không may va chạm với một xe tải. Vụ tai nạn khiến người chồng buộc phải cưa bỏ một chân, thương tích nặng (hiện đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), còn con trai bị chấn thương sọ não tử vong. Năm ngoái, con gái chị (19 tuổi) cũng bị tai nạn giao thông vỡ xương bánh chè, hiện việc đi lại rất khó khăn.

Chia sẻ với những mất mát, khó khăn của gia đình chị Hạnh, ngay sau khi sự việc xảy ra, Hội Chữ thập đỏ, Hội LHPN xã Hòa Phú và một số câu lạc bộ thiện nguyện ở TP. Buôn Ma Thuột đã vận động, kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ, quyên góp được tổng cộng hơn 90 triệu đồng chuyển vào tài khoản để chị có thêm chi phí chữa trị cho chồng.

Tuy nhiên, chiều 29/6, chị nhận được cuộc điện thoại của một người gọi đến, tự xưng là nhân viên Ngân hàng Vietcombank (nơi chị Hạnh đăng ký mở tài khoản). Người này nói thẻ ATM của chị bị lỗi, cần phải làm lại và yêu cầu cung cấp một số thông tin cá nhân để họ hỗ trợ làm lại thẻ mà không cần đến ngân hàng.

Do đang đau buồn chuyện gia đình, lại thêm việc thiếu hiểu biết nên chị Hạnh đã làm theo yêu cầu, cung cấp thông tin cá nhân, mã OTP khách hàng cho người này.

Chỉ vài phút sau đó, tài khoản trong ngân hàng của chị Hạnh liền bị trừ 4 lần, mỗi lần là 7,720 triệu đồng và một lần 59,190 triệu đồng (tổng cộng 90,070 triệu đồng).

Sau khi biết bản thân bị lừa, chị Hạnh đã làm đơn gửi cơ quan công an.

Hiện Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao - Công an tỉnh đang phối hợp với Công an TP. Buôn Ma Thuột xác minh, điều tra, truy tìm đối tượng lừa đảo để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chị Hoàng Thị Hạnh (bên phải) trò chuyện với một nhà hảo tâm.

Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo trên không gian mạng diễn ra với rất nhiều chiêu thức, phức tạp. Các đối tượng lừa đảo thường hoạt động theo băng nhóm, rất tinh vi và có hiểu biết sâu về công nghệ.

Thủ đoạn mà các đối tượng hay sử dụng như: kêu gọi người dân quyên góp tiền từ thiện; cài đặt app rồi chiếm quyền điều khiển thiết bị điện tử và rút tiền trong tài khoản ngân hàng; cài đặt mã định danh điện tử; mua bán hàng trực tuyến; trúng thưởng; hack Facebook để lừa đảo mượn tiền; mạo danh cán bộ cơ quan nhà nước để lừa đảo chiếm đoạt tài sản…

Để phòng tránh hậu quả đáng tiếc xảy ra, cơ quan công an khuyến cáo người dân trước hết phải nâng cao nhận thức, hiểu biết để tự bảo vệ chính mình. Cần tỉnh táo và hiểu rõ nguyên tắc “3 không”: Không cung cấp thông tin cá nhân như số điện thoại, địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng… cho bất kỳ ai khi chưa rõ nhân thân và lai lịch.

Không nghe và thực hiện theo yêu cầu chuyển tiền vào các tài khoản được chỉ định khi chưa có sự xác minh; các cơ quan thực thi pháp luật như công an, viện kiểm sát, tòa án khi làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi về địa chỉ nhà.

Không truy cập, cài đặt các ứng dụng, đường link từ email, tin nhắn SMS, trang mạng xã hội... không rõ nguồn gốc. Khi người dân cảm thấy nghi ngờ các đối tượng có dấu hiệu lừa đảo trên không gian mạng, hoặc gọi, nhắn tin trên điện thoại thì báo ngay cho cơ quan công an nơi gần nhất để kịp thời xác minh, ngăn chặn, xử lý.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc