Dâng trọn tuổi Xuân
Sau ngày đất nước thống nhất 30/4/1975, lực lượng thanh niên xung phong (TNXP) tiếp tục phát huy truyền thống, vượt mọi khó khăn thách thức, tích cực bắt tay khắc phục hậu quả chiến tranh, kiến thiết đất nước.
Tháng 10/1977, bà Ngô Thị Hồng Nhạn là một trong 6.540 TNXP của huyện Vũ Thư (tỉnh Thái Bình) tham gia lực lượng lao động tiền trạm tại huyện Ea Súp. Thời điểm đó, huyện Ea Súp thuộc địa giới hành chính của huyện Cư M’gar, tình hình an ninh, chính trị rất phức tạp. Lực lượng FULRO thường xuyên tấn công cán bộ, nhân dân, phá hoại thành quả cách mạng.
Khi Trung đoàn 3 của bà Nhạn dừng chân ở vùng đất được chỉ định khai hoang để trồng lúa (nay là cánh đồng Diệm, xã Ea Rốk), ngay trong đêm đã bị FULRO tập kích, may mắn không ai bị thương vong. Những ngày sau đó, Trung đoàn 3 vừa sản xuất, vừa chiến đấu, truy quét FULRO. Nhiều người bị thương, một số hy sinh.
Với sức mạnh “dời non lấp biển” của tuổi trẻ, sau 2 năm, lực lượng TNXP Trung đoàn 3 đã khai hoang, phục hóa, mở rộng diện tích lúa nước hai vụ, lúa nương, trồng rau màu, hướng dẫn đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tại chỗ canh tác lúa nước…; hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, mương dẫn nước từ hồ Ea Súp về các cánh đồng; làm đường giao thông, xây dựng nhà, đào giếng nước… chuyển giao cho huyện Ea Súp để đón nhân dân các tỉnh miền Bắc vào xây dựng kinh tế mới.
Từ những buổi đầu vỡ đất khai hoang, mang theo kinh nghiệm làm nông từ miền xuôi lên vùng sơn cước; từ mồ hôi, công sức đã làm nên những cánh đồng xanh ngát trải dài níu chân những người TNXP tham gia lao động tiền trạm định cư trên nơi vùng quê mới, trong đó có gia đình bà Nhạn. “Huyện Ea Súp ngày nay trở thành một trong những vựa lúa lớn của tỉnh, tôi và các thành viên lực lượng TNXP tiền trạm không khỏi tự hào”, bà Nhạn xúc động nói.
Không chỉ xung phong kiến thiết đất nước, khi Tổ quốc gọi - lực lượng TNXP không một chút chần chừ lên đường bảo vệ Tổ quốc.
Ông Y Thanh Niê ở buôn Ky (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) lần giở về quãng thời gian ở Trung đoàn Thanh niên xung phong Nguyễn Văn Trỗi. |
Đã 43 năm trôi qua kể từ khi Trung đoàn TNXP Nguyễn Văn Trỗi sáp nhập vào Nông trường Mía Dray H’linh (năm 1981), ông Y Thanh Niê ở buôn Ky (phường Thành Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) nguyên là Đại đội trưởng Đội C2, Tiểu đoàn 1 thuộc Trung đoàn TNXP Nguyễn Văn Trỗi vẫn hào hứng mỗi khi nhắc lại câu chuyện thời trẻ. “Lúc đó, tôi và các đồng đội chẳng nghĩ tương lai mình sẽ được gì, nhưng có chung một ý chí, một quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ”, ông Thanh quả quyết.
Trung đoàn TNXP Nguyễn Văn Trỗi được UBND thị xã Buôn Ma Thuột thành lập ngày 25/2/1979 với nhiệm vụ là khai hoang, thu dọn cánh đồng tại buôn Bur (xã Hòa Xuân) và buôn Niêng (xã Ea Nuôl). Tháng 9/1979, tình hình biên giới Tây Nam diễn biến phức tạp, ông Y Thanh nhận nhiệm vụ chỉ huy Đội C2 đi phục vụ chiến đấu tại biên giới và vận chuyển đạn dược, lương thực tiếp tế cho quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam đóng quân tại một địa điểm có tên Krông Ter ở Campuchia.
Ông Thanh bồi hồi nhớ lại: “Đội C2 có 50 TNXP chủ yếu là đồng bào DTTS và 4 chiến sĩ bộ đội công binh làm nhiệm vụ dẫn đường; cả đoàn chỉ có 4 khẩu súng ngắn để phòng thân. Ngày 20/9/1979, Đội C2 bắt đầu hành trình từ Đồn 5, huyện Đắk Mil (nay thuộc tỉnh Đắk Nông) theo đường mòn Hồ Chí Minh, băng rừng mang theo lương thực, đạn dược, thuốc men… hướng về biên giới. Hơn một tháng sau, Đội C2 đến được điểm đóng quân tại Krông Ter, có khoảng 20 TNXP đã bị sốt xuất huyết nhưng càng xót xa khi thấy lính tình nguyện nơi đất khách quê người. Họ sống và chiến đấu trong điều kiện ăn không đủ no, nơi ở tạm bợ, quần áo chắp vá..., những hình ảnh đó khiến chúng tôi cảm thấy sự mệt mỏi, vất vả của cả chuyến đi trở nên ý nghĩa. Đội C2 ở lại Krông Ter hơn 5 ngày, sau đó bắt đầu hành trình trở về trong cái ôm thắm thiết, giọt nước mắt bịn rịn của những đồng chí xa lạ”.
Lực lượng Thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình chuẩn bị công cụ canh tác lúa nước mang lên tỉnh Đắk Lắk năm 1976. (Ảnh tư liệu Hội cựu Thanh niên xung phong tỉnh Thái Bình cung cấp). |
Với quyết tâm ngày đi bao nhiêu người, ngày về là bấy nhiêu người, các thành viên Đội C2 thay phiên nhau dìu, cõng rồi khiên võng… những người bị sốt xuất huyết nặng. Cuối tháng 11/1979, về đến Đắk Mil, toàn bộ thành viên của C2 đều bị sốt xuất huyết nặng. Hết bệnh, lực lượng TNXP C2 lại cùng với Trung đoàn Nguyễn Văn Trỗi tiếp tục nhiệm vụ san ủi cây rừng, gạt đất đồi phóng tuyến để trồng lương thực…
Những chàng trai, cô gái TNXP trẻ trung ngày nào giờ tóc đã bạc, sức khỏe giảm sút nhưng những tháng ngày hăng hái xung phong ngoài mặt trận, những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, tình quân - dân vẫn còn nguyên vẹn. Hiện nay, dù không ít TNXP cuộc sống còn khó khăn, có người còn - người mất, nhưng họ không hề hối tiếc khi đã có một tuổi trẻ thật trọn vẹn, xứng đáng.
Hoàng Ân
Ý kiến bạn đọc