Multimedia Đọc Báo in

Thanh niên xung phong - biểu tượng tinh thần yêu nước của tuổi trẻ

17:37, 27/07/2023

Đầu những năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược đã đến thời điểm quyết liệt.

Với tầm nhìn chiến lược về vai trò của thanh niên trong sự nghiệp cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Đảng đoàn Ban Thanh vận Trung ương và Ban Thường vụ Trung ương Đoàn Thanh niên Cứu quốc Việt Nam tổ chức đội thanh niên tập trung dài ngày để phục vụ kháng chiến và kiến quốc, lấy tên là: “Đội Thanh niên xung phong công tác”.

Ngày 15/7/1950, Đội Thanh niên xung phong (TNXP) công tác Trung ương đầu tiên được thành lập tại núi Hồng, xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, gồm 225 đội viên, do đồng chí Vương Bích Vượng, Ủy viên Trung ương Đoàn làm đội trưởng. Sau đó, các đội TNXP khác lần lượt ra đời, nhiệm vụ được giao là mở đường, vận chuyển lương thực, thực phẩm, tải đạn, sát cánh với bộ đội phục vụ chiến đấu, góp phần bảo vệ các cơ quan đầu não chiến khu Việt Bắc (ATK).

Thanh niên xung phong chống Mỹ, cứu nước Đội 32 ký Quyết tâm thư. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Trong kháng chiến chống Pháp, những nhiệm vụ, công trình chiến lược, quan trọng đều có dấu ấn, sự đóng góp to lớn của lực lượng TNXP như: mở đường chiến lược Lai Châu - Ma Lù Thàng (biên giới Việt - Trung) và khai thông mở dòng Nậm Na; tiếp quản Thủ đô Hà Nội và TP. Hải Phòng; khôi phục các tuyến đường sắt; xây dựng các công trình công nghiệp; đảm nhận xây dựng các công trình kinh tế như: Nhà máy Cơ khí trung quy mô; lò cao Khu Gang thép Thái Nguyên; Thủy điện Thác Bà; các tuyến đường sắt: Đông Anh - Thái Nguyên, Thanh Hóa - Vinh; mở các tuyến đường giao thông: 12B Hòa Bình, Hà Giang - Đồng Văn; đường 426B; công trình đại thủy nông Nậm Rốm Điện Biên…

Trong kháng chiến chống Mỹ, với khẩu hiệu “Sông nước là chiến trường, cầu phà là vũ khí, thanh niên xung phong là chiến sĩ”, các đơn vị TNXP bằng mồ hôi và xương máu trên khắp các cung đường, tuyến lửa đã liên tục bám hiện trường, bảo đảm thông xe liên tục, góp phần giữ vững mạch máu giao thông phục vụ kịp thời các yêu cầu chiến đấu và sản xuất.

Khi đế quốc Mỹ leo thang chiến tranh, bắn phá miền Bắc, đã có hàng chục vạn thanh niên miền Bắc hăng hái làm đơn tình nguyện gia nhập Đội TNXP. Để được cống hiến cho Tổ quốc, nhiều thanh niên đã viết đơn tình nguyện bằng máu, nhiều cán bộ kỹ thuật, chuyên môn tay nghề giỏi, nhiều thầy giáo ở khắp các tỉnh thành miền Bắc vào miền Nam làm nhiệm vụ, nhiều thầy thuốc, y, bác sĩ đã lên đường phục vụ chiến trường miền Nam. Đó là hình ảnh Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Thùy Trâm; là tấm gương thi sĩ, chiến sĩ Lê Anh; là hình ảnh 10 cô gái Ngã ba Đồng Lộc, 12 cô gái Truông Bồn, tiểu đội nữ mặc trang phục trắng làm hàng cọc tiêu sống cho xe vượt lũ…

Sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc, TNXP chuyển sang thực hiện nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng phát triển kinh tế, tham gia bảo vệ Tổ quốc trong chiến tranh biên giới Tây Nam và tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.

Trong kháng chiến chống Mỹ, lực lượng Thanh niên xung phong luôn có mặt ở những điểm nóng, bảo đảm cho tuyến đường Trường Sơn thông suốt. Ảnh: Tư liệu TTXVN

Ghi nhận những cống hiến của lực lượng TNXP, cố Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã từng nhấn mạnh: “Lực lượng TNXP đã thực sự đem tinh thần “xung phong” mà Bác Hồ dạy, xung phong trên các chiến trường, góp phần cùng quân đội lập nên những chiến công oanh liệt và cùng xây đắp nên truyền thống vẻ vang của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng”.

Với khát vọng, ý chí vươn lên, thế hệ trẻ hôm nay có đầy đủ trách nhiệm và phẩm chất, tài năng để kế thừa, phát huy khí thế, sức mạnh của lực lượng TNXP lên một tầm cao mới với nội dung, hình thức mới trong hoàn cảnh của thời đại mới.

Cẩm Trang


Ý kiến bạn đọc


(Video) Đượm nghĩa tri ân
Thấm nhuần đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk luôn dành sự quan tâm đặc biệt, triển khai nhiều hoạt động chăm lo cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, các thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng.