Huyện Krông Búk: Hiệu quả bước đầu trong xuất khẩu lao động
Trong các nhóm giải pháp giảm nghèo thì giải quyết việc làm qua xuất khẩu lao động (XKLĐ) đang mang lại hiệu quả. Từ hướng đi này, nhiều lao động trên địa bàn huyện Krông Búk đã có việc làm ổn định, thu nhập cao, góp phần giảm nghèo, thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.
Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện, trước đây công tác XKLĐ gặp rất nhiều khó khăn bởi nhận thức của người dân còn hạn chế. Nhiều người lao động tuy có sức khỏe, có trình độ nhưng không muốn đi làm việc xa trong khi điều kiện kinh tế - xã hội của huyện còn khó khăn, nhiều ngành nghề chưa phát triển. Song, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là quyết tâm chính trị cao của UBND huyện với những giải pháp đồng bộ, hoạt động XKLĐ đã có sự chuyển biến.
Vườn sầu riêng cho thu hoạch nhờ nguồn vốn tiết kiệm xuất khẩu lao động của gia đình chị Lê Thị Thắm ở xã Chứ Kbô. |
Theo đó, UBND huyện đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án đưa người lao động đi nước ngoài theo hợp đồng, chỉ đạo quyết liệt các địa phương, các phòng, ban chuyên môn. Trong đó, chú trọng tuyên truyền, phối hợp để các doanh nghiệp có chức năng XKLĐ tư vấn việc làm cho lao động địa phương; giao chỉ tiêu vận động lao động đi XKLĐ theo hợp đồng cho các xã, thị trấn; cung cấp thông tin về thị trường lao động đầy đủ, rõ ràng cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, từ đó có cơ sở để lựa chọn ngành nghề, thị trường lao động phù hợp.
"Hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng đã bước đầu phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân địa phương" - Ông Y Ly Mlô, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Krông Búk. |
Nhờ đó, nhiều lao động ở địa phương đã mạnh dạn ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng. Đơn cử ở thôn Trung Lộc (xã Chứ Kbô) hiện có hơn 20 lao động đang làm việc, học tập tại Nhật Bản, Hàn Quốc; phần lớn lao động đều có thu nhập ổn định gửi về phụ giúp gia đình hằng tháng từ 15 - 20 triệu đồng/người để xây dựng nhà cửa khang trang, đầu tư phát triển kinh tế.
Ông Nguyễn Xuân Phận, ở thôn Trung Lộc (xã Chứ Kbô) có con trai đi XKLĐ ở Nhật Bản từ năm 2019. Từ tiền con trai gửi về, gia đình ông đã trả hết nợ, đầu tư phát triển vườn cà phê xen cây ăn trái, số tiền còn lại ông gửi ngân hàng để sau này con trai về nước có vốn làm ăn. Ông Phận chia sẻ: “Con đi XKLĐ vừa làm đúng nghề sở trường của mình, vừa có vốn tiết kiệm, lại tích lũy được kinh nghiệm. Đây là hướng đi đúng đắn để gia đình thoát nghèo”.
Cũng tại xã Chứ Kbô, năm 2018 sau khi tìm hiểu về thị trường lao động Nhật Bản thông qua các công ty giới thiệu việc làm, vợ chồng chị Lê Thị Thắm ở thôn Nam Tân đã sang Nhật Bản làm việc.
Chị Thắm trò chuyện: “Nhờ chịu khó lao động nên mỗi tháng, trừ các khoản chi phí vợ chồng tôi gửi về cho gia đình hơn 40 triệu đồng. Sau 6 năm làm việc tại nước ngoài, trở về quê chúng tôi đã trả hết nợ, xây được căn nhà kiên cố trị giá khoảng 800 triệu đồng và có vốn mua hơn 2 ha đất trồng cà phê xen sầu riêng. Mỗi năm vợ chồng tôi thu khoảng 5 tấn cà phê. Hiện nay, sầu riêng cũng đang cho thu hoạch".
Từ năm 2023 đến nay, toàn huyện Krông Búk có 44 lao động đi làm việc tại nước ngoài theo hợp đồng. Hầu hết các gia đình có người XKLĐ, từ hộ khó khăn đã có cuộc sống khá, giàu. So với lao động cùng ngành nghề, cùng trình độ trong nước thì người lao động ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng có thu nhập cao hơn nhiều lần. Khi làm việc ở nước ngoài, người lao động sẽ được rèn luyện, tích lũy kinh nghiệm, nâng cao tay nghề. Khi trở về nước, đây sẽ là lực lượng lao động có tay nghề cao, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế của gia đình và địa phương.
Căn nhà của gia đình bà Trương Thị Xô ở xã Ea Sin (thứ hai từ phải sang) được xây dựng từ khoản tiền các con xuất khẩu lao động gửi về. |
Hay như ở xã Ea Sin, gia đình bà Trương Thị Xô ở buôn Cư Mtao từ một hộ có hoàn cảnh khó khăn nay đã vươn lên khá giả nhờ có hai con đang làm xây dựng tại Đài Loan (Trung Quốc). Trong thời gian lao động ở nước ngoài, các con của bà Xô đã gửi tiền về cho bố mẹ trả hết số nợ gia đình vay mượn, xây dựng ngôi nhà hơn 1 tỷ đồng. "Nối gót" anh chị, hiện nay con trai út của bà Xô cũng đã hoàn tất hồ sơ đi XKLĐ tại Đài Loan (Trung Quốc). Bà Xô cho hay: “XKLĐ đã làm thay đổi cuộc sống của gia đình, từ chỗ nghèo túng trở nên khấm khá hơn. Tôi luôn động viên các con chịu khó làm ăn, tích lũy tiền bạc để sau này trở về địa phương có vốn phát triển kinh tế”.
Ông Y Ly Mlô, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện cho biết, đơn vị sẽ tiếp tục phối hợp với các xã, công ty tư vấn, tuyển dụng lao động, cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, đúng quy định thủ tục pháp lý, hỗ trợ vốn, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho người lao động có nhu cầu XKLĐ. Cùng với đó tăng cường tổ chức phiên giao dịch việc làm tại các xã, thị trấn. Đồng thời, khảo sát nhu cầu XKLĐ của người lao động trên địa bàn và phân loại lao động theo các nhóm (nước đi, thời gian đi, hoàn cảnh gia đình…) để định hướng, tư vấn phù hợp.
Như Quỳnh - Văn Huệ
Ý kiến bạn đọc