Multimedia Đọc Báo in

Người nghèo chung sức giúp nhau

08:43, 02/07/2024

Để phát huy hiệu quả của nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi (Chương trình 1719) giai đoạn 2021 - 2025, thôn 14, xã Ea Păl (huyện Ea Kar) đã thành lập Câu lạc bộ (CLB) chăn nuôi bò sinh sản với 20 thành viên gồm những hộ nghèo, có hoàn cảnh khó khăn.

CLB được thành lập đã trở thành “ngôi nhà chung” để người nghèo cùng chia sẻ mọi khó khăn trong cuộc sống, giúp nhau vươn lên. Không chỉ tổ chức sinh hoạt định kỳ nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, chăm sóc bò mà các thành viên trong CLB còn giúp nhau bằng việc làm thiết thực.

Ông Vũ Duy Vui ở thôn 14 (xã Ea Păl, huyện Ea Kar) được hỗ trợ bò sinh sản phát triển sản xuất.

Ngoài nguồn vốn phát triển sản xuất là 105 triệu đồng từ Chương trình 1719 mua 7 con bò giống sinh sản hỗ trợ cho 7 hộ nghèo, khó khăn nhất, mỗi năm thành viên trong CLB đóng góp 750.000 đồng/người, thu được tổng số tiền 15 triệu đồng, mua thêm 1 con bò giống để giúp thêm 1 hộ trong CLB. Không những vậy, mỗi thành viên còn đóng góp thêm quỹ nội bộ 100.000 đồng/năm để thăm hỏi những trường hợp ốm đau, hoạn nạn.

Ông Nguyễn Văn Phê, Trưởng Ban công tác Mặt trận thôn 14, Chủ nhiệm CLB chia sẻ, với việc phát huy nội lực, tất cả những hộ còn lại trong CLB đều được hỗ trợ bò giống sinh sản để phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo. Khi giúp hết một vòng, các thành viên sẽ quyết định tiếp tục cho vay xoay vòng hoặc trả lại số tiền đã đóng góp. Cách làm này không chỉ tự lực giúp nhau thoát nghèo mà mỗi thành viên cũng tiết kiệm được một số vốn.

Cán bộ Ủy ban MTTQ Việt Nam xã Ea Păl và Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ chăn nuôi bò sinh sản thôn 14 khảo sát việc phát triển chăn nuôi của thành viên từ nguồn vốn được hỗ trợ.

Việc thành lập CLB chăn nuôi bò sinh sản thôn 14 đã lan tỏa thông điệp “người nghèo giúp nhau thoát nghèo” đến từng thành viên. Như trường hợp của gia đình ông Vũ Duy Vui, dù đã lớn tuổi, lại bị bệnh hiểm nghèo, con cái lập nghiệp ở xa, chỉ có hai vợ chồng già nương tựa lẫn nhau nhưng khi được hỗ trợ 1 con bò, ông sẵn lòng góp vốn giúp đỡ các thành viên khác. Ông Vui bày tỏ, nguồn vốn của chương trình có hạn, trong khi nhu cầu hỗ trợ để phát triển sản xuất nhiều nên mỗi người góp một ít chung tay cùng giúp nhau. Mỗi thành viên đều nhận thấy cách làm này hiệu quả, ý nghĩa nên đều đồng thuận cao.

Có thể thấy, giữa bộn bề lo toan, khó khăn của cuộc sống, cách làm của CLB có sức lan tỏa, kết nối tình làng nghĩa xóm. Phương thức hoạt động, điều hành của CLB chăn nuôi bò sinh sản thôn 14 đã thực sự “khơi” được nội lực của người nghèo cùng chung tay giúp nhau thoát nghèo bền vững.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.