Multimedia Đọc Báo in

Thủ khoa khối C tỉnh Đắk Lắk vừa đi học vừa đi làm thêm

13:16, 21/07/2024

Với 29,5 điểm (Ngữ văn 9,5 điểm, Lịch sử 10 điểm, Địa lý 10 điểm), em Phạm Thị Phượng (dân tộc Nùng), học sinh lớp 12C9, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Drắk) trở thành thủ khoa khối C của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Đắk Lắk.

Điều đặc biệt ở nữ sinh này là em không có điều kiện để đi học thêm mà phải đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống trong quãng thời gian học THPT; còn việc học chủ yếu tại trường và tự học tại nhà trọ.

Phượng chia sẻ, em sinh ra và lớn lên trong gia đình thuần nông thuộc diện khó khăn của xã Krông Á. Trường THPT Nguyễn Tất Thành cách nhà 15 km nên em đã thuê trọ gần trường và đi làm để có thêm tiền trang trải chi phí học tập xa nhà.

Khi xem điểm thi, em rất bất ngờ và phải dò đi dò lại nhiều lần mới tin đó là sự thật vì điểm số môn Ngữ văn cao hơn mong đợi. Bởi môn Lịch sử và Địa lý có thể đối chiếu đáp án sau khi thi xong; còn Ngữ văn dù làm bài dài 11 trang giấy nhưng vẫn khó đạt điểm cao bởi phần nghị luận văn học trong đề thi là tác phẩm thơ dễ phân tích nhưng lại khó đạt điểm cao.

Em Phạm Thị Phượng, học sinh
Em Phạm Thị Phượng, học sinh lớp 12C9, Trường THPT Nguyễn Tất Thành (huyện M’Drắk).

Để theo đuổi sở thích học văn trong điều kiện đặc biệt của mình, Phượng thường xuyên đọc sách, tài liệu liên quan tại thư viện trường; thích phân tích để làm rõ vấn đề trong các tác phẩm… Trước khi bước vào bất cứ kỳ thi nào em cũng đọc một đoạn văn tâm đắc để khơi gợi cảm hứng, giúp mạch văn trôi chảy hơn khi làm bài.

Hiện tại, Phượng đã sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để đăng ký xét tuyển vào ngành Sư phạm Ngữ văn, Trường Đại học Tây Nguyên với mong muốn viết tiếp ước mơ trở thành cô giáo dạy văn. Nhưng em cũng rất lo lắng vì sợ việc học làm bố mẹ vất vả hơn bởi bố em mắc bệnh về tim mạch, không thể làm việc nặng, chi phí thuốc men tốn kém. Do đó em dự định sẽ đi làm thêm để trang trải việc học đại học.

Theo cô Trần Thị Oanh, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C9 thì Phượng khá trầm tính, có tinh thần quyết tâm cao, luôn nỗ lực trong học tập và cuộc sống; là lớp phó học tập suốt 3 năm học tại Trường THPT Nguyễn Tất Thành; có kết quả học tập toàn khóa xếp loại giỏi. Phượng là người dân tộc Nùng, khi học tại trường đã được Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí ăn, ở, học tập nhưng em vẫn đi làm thêm để có tiền trang trải cuộc sống. Do đó, khi biết điểm thi, cô đã có buổi gặp gỡ, chia sẻ, động viên với mong muốn Phượng tiếp tục có thành tích cao trên con đường học tập của mình.

Thanh Trúc


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.