Multimedia Đọc Báo in

Truyền thông cộng đồng: Hiệu quả từ cách làm sáng tạo

08:27, 15/07/2024

Với mục tiêu tuyên truyền, vận động người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong cuộc sống, sinh hoạt hằng ngày, phát triển kinh tế cũng như xóa bỏ các định kiến và khuôn mẫu giới, Hội LHPN huyện Ea Kar đã xây dựng, nhân rộng mô hình tổ truyền thông cộng đồng với nhiều cách làm hiệu quả.

Tại Liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng gắn với tìm hiểu kiến thức về bình đẳng giới và Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2022 (sửa đổi) do Hội LHPN huyện Ea Kar tổ chức mới đây, tiểu phẩm "Chỉ tại người nối dõi" của đội thi xã Cư Elang thu hút sự quan tâm, theo dõi của đông đảo khán giả.

Nội dung tiểu phẩm và diễn xuất của những diễn viên quần chúng không chỉ tái hiện sinh động thực tế trọng nam khinh nữ, quan niệm “đẻ bằng được con trai” để có người nối dõi của phần lớn người dân tộc thiểu số phía Bắc mà còn toát lên vai trò của tổ truyền thông cộng đồng trong công tác tuyên truyền, vận động về bình đẳng giới nhằm giúp người trong cuộc hiểu rõ, làm đúng.

Tiểu phẩm "Trọng nam khinh nữ" của đội thi xã Ea Ô với thông điệp nói không với bạo lực gia đình.

Đặc biệt hơn nữa, trong tiểu phẩm có sự góp mặt của cặp vợ chồng đều là người dân tộc thiểu số phía Bắc. Đó là anh Đặng Văn Thảo (dân tộc Nùng) và chị Triệu Thị Hương (dân tộc Dao) ở thôn 2, xã Cư Elang.

 

Thực hiện Dự án 8, thời gian qua, Hội LHPN huyện Ea Kar đã chỉ đạo, hướng dẫn thành lập được 55 mô hình tổ truyền thông cộng đồng, trong đó có 2 mô hình cấp tỉnh, 6 mô hình cấp huyện và 47 mô hình cấp xã với tổng số 567 thành viên.

Anh Thảo cho hay, khi được vợ là Trưởng Ban Công tác Mặt trận, thành viên tổ truyền thông cộng đồng thôn 2, thuyết phục tham gia liên hoan cấp xã, anh đã vỡ lẽ ra nhiều điều và thay đổi hẳn quan điểm về việc sinh con trai, con gái. Đội thi của thôn giành giải nhì cấp xã và được chọn tham gia liên hoan cấp huyện, anh Thảo vừa tập luyện, vừa tích cực tuyên truyền, phân tích cho cánh đàn ông trong thôn hiểu rõ về bình đẳng giới, về bạo lực gia đình. Tại liên hoan cấp huyện năm 2024, tiểu phẩm của xã Cư Elang được trao giải tiểu phẩm hay nhất.

Thôn 2 có 171 hộ với 875 khẩu, người dân tộc thiểu số phía Bắc chiếm gần 90%. Bao năm qua, quan niệm “đẻ bằng được con trai” đã ăn sâu trong tư tưởng của người dân nên không hiếm những gia đình sinh nhiều con. Sau khi được hưởng lợi từ Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, thôn đã thành lập Tổ truyền thông cộng đồng thôn 2 gồm 10 thành viên.

Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ truyền thông cộng đồng thôn 2, xã Cư Elang Hoàng Văn Kính cho biết: Để triển khai hiệu quả Dự án 8, chi bộ, mặt trận, các đoàn thể đã phối hợp vận động thành lập, duy trì hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng. Các thành viên trong tổ được tập huấn, cấp tài liệu, tổ chức sinh hoạt định kỳ hoặc lồng ghép sinh hoạt, tuyên truyền về bình đẳng giới. Trong đó, hoạt động tập luyện, tham gia liên hoan các mô hình tổ truyền thông cộng đồng có ý nghĩa và sức lan tỏa lớn bởi có sự tham gia của nam giới - đối tượng chính cần truyền thông. Qua đó đã góp phần tuyên truyền hiệu quả những nội dung của Dự án 8 trong cộng đồng.

Tiểu phẩm "Hạc giấy ước mơ" của đội thi xã Ea Sô truyền đi thông điệp về phòng, chống bạo lực gia đình và vai trò của tổ truyền thông cộng đồng.

Chủ tịch Hội LHPN huyện Ea Kar Vũ Thị Thanh Giang đánh giá, hoạt động của tổ truyền thông cộng đồng và các chiến dịch truyền thông đã góp phần thay đổi tư tưởng, nhận thức của người dân, đặc biệt đối với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số. Họ biết vươn lên làm chủ cuộc sống, tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, học nghề, nâng cao giá trị bản thân, tạo được tiếng nói trong gia đình và xã hội.

Yến Ngọc


Ý kiến bạn đọc