Multimedia Đọc Báo in

Hành động thiết thực để phòng, chống bạo lực gia đình

08:28, 11/09/2024

Sự ra đời của các mô hình, câu lạc bộ phòng, chống bạo lực gia đình (BLGĐ) cùng với đội ngũ tuyên truyền viên tích cực đã giúp nhiều người thay đổi hành vi, nhận thức theo hướng tích cực về hôn nhân, gia đình, vị thế, vai trò của phụ nữ.

Câu lạc bộ (CLB) Gia đình phát triển bền vững xã Quảng Tiến (huyện Cư’ Mgar) thành lập vào tháng 5/2023, hiện có 17 thành viên.

CLB phối hợp với các chi hội phụ nữ, nông dân, cựu chiến binh... trên địa bàn xã duy trì sinh hoạt định kỳ hằng quý với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như sinh hoạt chuyên đề, hỏi đáp, giao lưu văn hóa - văn nghệ... nhằm chuyển tải những nội dung về chăm sóc, nuôi dạy con cái, phòng, chống BLGĐ.

Đồng thời thông qua nhiều kênh truyền thông như hệ thống loa truyền thanh ở cơ sở, phát tờ rơi để tuyên truyền kiến thức pháp luật về công tác gia đình; thông tin những nội dung cơ bản của Luật Phòng, chống BLGĐ, Luật Bình đẳng giới, Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Trẻ em...

Thành viên Câu lạc bộ Gia đình phát triển bền vững xã Quảng Tiến (huyện Cư’ Mgar) tuyên truyền về công tác phòng, chống bạo lực gia đình cho người dân.

Không chỉ chú trọng tuyên truyền về công tác phòng, chống BLGĐ, xây dựng gia đình tiến bộ, ấm no, hạnh phúc, CLB còn quan tâm hoạt động tư vấn, hòa giải, tháo gỡ khúc mắc cho nhiều gia đình trên địa bàn xã.

Đơn cử như trường hợp của gia đình bà Nguyễn Thị Lan (thôn Tiến Thành), sau khi sinh liền năm người con gái thì hay xảy ra cãi vã vì chồng bà Lan mang nặng tư tưởng “trọng nam, khinh nữ”, sinh ra chán nản, bỏ bê gia đình. Hệ lụy là kinh tế gia đình giảm sút, tình cảm rạn nứt, con cái không chuyên tâm học hành, làm ăn.

Tham gia sinh hoạt CLB, bà có cơ hội giãi bày tâm tư và được các thành viên quan tâm chia sẻ, tư vấn hữu ích, từ đó có cách khuyến khích, động viên chồng thay đổi tích cực để cùng giữ gìn tổ ấm. "Sau một thời gian, chồng tôi đã hiểu ra cái sai của mình và tu chí làm ăn, quan tâm đến vợ con nhiều hơn. Đến nay, gia đình tôi đã yên ấm, con cái đều đã có công việc ổn định”, bà Lan tâm tình.

“Địa chỉ tin cậy cộng đồng” là một trong những nơi được nhiều phụ nữ tìm tới khi xảy ra tình trạng BLGĐ. Đây là một trong các mô hình hoạt động can thiệp của Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I từ 2021 - 2025 được Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) các cấp triển khai trên địa bàn tỉnh.

Hội LHPN xã Ea Bông (huyện Krông Ana) cung cấp các vật dụng cơ bản để làm điểm lánh nạn cho nạn nhân bạo lực gia đình tại buôn Knul.

“Địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại xã Ea Bông (huyện Krông Ana) là một trong 13 mô hình được Hội LHPN huyện xây dựng vào năm 2023 với 39 thành viên. Đây là cơ sở cung cấp chỗ ở, tạm lánh và bảo vệ, tư vấn, hỗ trợ kịp thời, giúp đỡ nạn nhân bị BLGĐ ở địa phương.

Bà H’Duyết Byă, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Bông cho biết: “Trên địa bàn xã hiện có điểm lánh nạn tại buôn Knul được chúng tôi trang bị đầy đủ vật dụng cơ bản như nệm, chăn, quạt… để phục vụ cho người dân tạm lánh khi gặp tình trạng BLGĐ. Đến nay đã có nhiều người dân tìm tới để nghe tư vấn, một số nạn nhân tới lánh nạn được thành viên của tổ tuyên truyền cộng đồng tại các thôn, buôn hỗ trợ đưa về nhà và kịp thời khuyên nhủ, hòa giải nhằm chấm dứt tình trạng BLGĐ. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu lên cấp trên để tiếp tục triển khai xây dựng thêm các điểm lánh nạn tại các thôn, buôn khác nhằm hỗ trợ người dân khi cần thiết”.

Thu Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.