Multimedia Đọc Báo in

Niềm vui biết chữ

08:52, 08/09/2024

Sau khi hoàn thành chương trình lớp học xóa mù chữ do UBND huyện Ea Kar tổ chức, các học viên đều đã biết đọc, biết viết.

Từ khi biết chữ, họ đã tự tin hơn khi giao tiếp, có thể tự mình đến các cơ quan chức năng để thực hiện các thủ tục hành chính, biết sử dụng điện thoại thông minh để nhắn tin, đọc tin tức...

Là một trong những người đầu tiên đăng ký học lớp xóa mù chữ được tổ chức tại xã Cư Bông trong năm 2023, chị H Min M'lô (SN 1994, buôn Ea Găl, xã Cư Bông) cho biết, trước kia bố mẹ chị chỉ có 5 sào đất sỏi đá trồng sắn, sản lượng và năng suất rất thấp, trong khi gia đình có đến 11 thành viên (bố mẹ và 9 anh chị em) nên kinh tế luôn ở trong tình trạng túng quẫn, không thể lo cho các con đi học.

Ngay từ nhỏ, chị đã phải đi làm thuê đủ việc để phụ giúp bố mẹ trang trải cuộc sống. Năm 2007, cả nhà chị chuyển đến xã Cư Bông sinh sống. Đến năm 2012, chị lập gia đình, rồi lần lượt sinh ba người con, đứa đầu năm nay 11 tuổi, đứa thứ hai 5 tuổi còn đứa út mới 2 tuổi.

Lớp xóa mù chữ được tổ chức tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Cư Bông) từ tháng 8/2023 - 6/2024.

Chị H Min luôn nhận thức được tầm quan trọng của việc biết chữ, nhưng do cuộc sống còn nhiều khó khăn nên chưa thể đi học xóa mù chữ. Ước mơ được đi học chỉ thành hiện thực vào tháng 8/2023, lớp học xóa mù chữ được tổ chức tại Trường Tiểu học Lý Thường Kiệt (xã Cư Bông) cách nhà chị 2 km và học vào buổi tối, rất phù hợp với bản thân nên chị đã đăng ký tham gia. Trong quá trình học, chị và 34 học viên lớp học luôn được các cô giáo tận tình chỉ dạy, hướng dẫn, từ cách cầm bút, nhận biết mặt chữ, viết chữ, tập đọc rồi tập làm những phép tính cơ bản... Chỉ sau 10 tháng học tập, chị H Min đã biết đọc, biết viết.

 

Trong năm 2023, UBND huyện Ea Kar đã tổ chức 4 lớp dạy xóa mù chữ tại xã Cư Elang (3 lớp với 77 học viên) và xã Cư Bông (1 lớp với 35 học viên).

Chị H Min vui mừng bày tỏ: "Từ khi biết chữ, tôi đã tự tin hơn khi giao tiếp với mọi người xung quanh; đã tự mình đến các cơ quan nhà nước để thực hiện các thủ tục hành chính. Cuộc sống đã thuận lợi, dễ dàng hơn trước rất nhiều...".

Tháng 6/2024, bà H Wân Byă (SN 1978, buôn Ea Rớt, xã Cư Elang) cũng đã hoàn thành chương trình lớp xóa mù chữ được tổ chức tại Trường Tiểu học Trần Bình Trọng (xã Cư Elang).

Bà H Wân chia sẻ, khi mới tham gia lớp học, bà cảm thấy ngại ngùng vì tuổi tác và khả năng tiếp thu kiến thức của mình. Tuy nhiên, khi được các cô giáo quan tâm, động viên nên đã dần vượt qua cảm giác tự ti, tập trung học tập. Giờ đây, bà H Wân đã có thể sử dụng điện thoại thông minh để gọi điện, đọc tin tức, giải trí và tìm hiểu kiến thức nông nghiệp để áp dụng vào canh tác, sản xuất.

Học viên tham gia lớp xóa mù chữ được tổ chức tại Trường Tiểu học Trần Bình Trọng, xã Cư Elang.

Ông Phùng Văn Chang, Phó Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ea Kar cho biết: Để tiếp tục thực hiện tốt công tác xóa mù chữ trên địa bàn, đơn vị sẽ tập trung phối hợp với các xã, thị trấn trên địa bàn huyện tổ chức rà soát và lập danh sách những người mù chữ, tái mù chữ và tuyên truyền, vận động họ tham lớp học xóa mù chữ. Đối với những người đã hoàn thành chương trình xóa mù chữ mức độ 1, đơn vị sẽ mở lớp xóa mù chữ mức độ 2 để người dân được tiếp tục học tập, nâng cao hiểu biết, qua đó từng bước xóa bỏ khoảng cách về trình độ học vấn giữa các tầng lớp nhân dân trên địa bàn huyện.

Ngoài ra, đơn vị sẽ ban hành kế hoạch, quyết định phân công nhiệm vụ cho từng giáo viên giảng dạy lớp xóa mù chữ, chủ động biên soạn tài liệu, giáo trình giảng dạy phù hợp với khả năng của học viên, nhằm nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học...

Anh Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.