Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực xóa mù chữ ở Cư Kbang

08:11, 03/10/2022

Cách trung tâm huyện Ea Súp gần 20 km, xã Cư Kbang (huyện Ea Súp) là nơi sinh sống của nhiều dân tộc anh em, chủ yếu từ các tỉnh phía Bắc di cư vào như: Mông, Dao, Tày, Nùng… (chiếm 98% dân số toàn xã). Tỷ lệ người dân mù chữ ở đây khá cao, do đó, việc xóa mù chữ cho người dân được chính quyền địa phương đặc biệt chú trọng.

Xã Cư Kbang hiện có 11 thôn và 3 cụm dân cư với trên 2.500 hộ dân, trong đó hộ nghèo chiếm tỷ lệ hơn 62,7%. Nhiều năm trở lại đây, UBND xã đã phối hợp tổ chức các lớp xóa mù chữ, từ đó giúp nâng cao dân trí, đời sống văn hóa cho người dân. Mới đây, UBND xã Cư Kbang đã tổ chức thành công khóa học xóa mù chữ cho hơn 50 học viên người dân tộc thiểu số đang sinh sống tại các thôn 14, 15, 16 và 3 cụm dân cư: 8, 9, 10. Khóa học gồm 2 lớp, được tổ chức tại Trường Tiểu học Lê Hồng Phong (thôn 15), dành cho các học viên có độ tuổi từ 15 - 60 tuổi.

Các học viên tham gia lớp học được phát sách, vở và dụng cụ học tập miễn phí. 

Lớp học được triển khai vào tháng 5/2022, mỗi tuần 4 buổi, học vào buổi tối. Được phát sách vở, dụng cụ học tập, học viên rất vui và đa số đi học chuyên cần. Chị Sùng Thị Ly (thôn 14) tâm sự: “Ngày trước, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhà lại xa trường nên không được đến lớp. Nay chính quyền mở lớp và vận động đi học nên chị tham gia. Biết cái chữ, bản thân cũng thấy vui khi có thể tự viết tên mình, đọc sách báo. Mong sao những ai chưa biết chữ thì đợt sau sẽ tham gia lớp học”.

Tận tâm và gắn bó với lớp học là đội ngũ giáo viên, họ không chỉ truyền đạt kiến thức mà còn tiếp thêm động lực để học viên kiên trì bám lớp. Nhờ tham gia giảng dạy tại lớp xóa mù chữ, chị Vừ Thị Liên (dân tộc Mông, giáo viên Trường Tiểu học Lê Hồng Phong) đã trải qua một mùa hè đầy kỷ niệm. Chị cho biết, khi lớp học được mở ra, bà con rất hào hứng và tích cực tham gia. Tuy vậy, quá trình giảng dạy cũng gặp nhiều khó khăn do học viên là người dân tộc thiểu số, độ tuổi không đồng đều, thời gian bị chi phối nhiều bởi công việc gia đình, đồng áng. Bên cạnh đó, nhiều học viên không biết tiếng phổ thông, một số học viên lớn tuổi, mắt kém… dẫn đến khó khăn trong việc truyền đạt. Vượt qua khó khăn, các giáo viên đã nỗ lực giảng dạy, đồng hành, sẻ chia cùng các học viên để khi hoàn thành khóa học, các học viên đều đã biết đánh vần, viết tên mình, đọc và làm một số phép toán đơn giản.

Giáo viên giảng dạy tại lớp học xóa mù chữ năm 2022

Sau 3 tháng miệt mài, ngày kết thúc khóa học, niềm vui rạng rỡ trên khuôn mặt các học viên. Mọi người bịn rịn, quyến luyến không muốn rời lớp. Điều đáng mừng là giờ đây, nhiều người đã biết đọc, biết tự viết tên mình, để không còn phải điểm chỉ mỗi khi đi nhận quà hay làm các giao dịch dân sự. Hy vọng, khi trở về cuộc sống hằng ngày, mọi người tiếp tục ôn luyện để không bị quên mặt chữ.

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.