Multimedia Đọc Báo in

Nỗ lực định danh điện tử cho đồng bào di cư tự do ở Cư Kbang

08:18, 17/09/2024

Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ về “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, đến thời điểm này, tại các xã, thị trấn của huyện Ea Súp đã cơ bản hoàn thành việc thực hiện cấp căn cước, tài khoản định danh điện tử cho công dân.

Riêng tại xã Cư Kbang, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Cư Kbang là xã vùng III, đời sống người dân còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp. Toàn xã có 1.636 hộ nghèo và cận nghèo, chiếm gần 63% tổng số hộ của xã; tỷ lệ người DTTS chiếm 98% (chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng… di cư tự do từ các tỉnh phía Bắc vào định cư từ những năm 1993 đến nay).

Trung tá Bùi Hoàng Liên, Phó Trưởng Công an xã Cư Kbang chia sẻ, trước khi vào Cư Kbang lập nghiệp, họ thường di chuyển đến nhiều nơi, ở nhiều tỉnh thành khác. Khi định cư tại Cư Kbang, họ thường ở cách xa trung tâm xã, sống tách biệt, ít hòa đồng, ngại giao lưu.

Quá trình thực hiện việc cấp căn cước và định danh, xác thực điện tử tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn vì phần lớn các hộ di cư tự do không có thông tin trên dữ liệu dân cư quốc gia cũng như không có giấy tờ tùy thân chính thức.

Nhiều người chỉ nhớ tên thường gọi và không biết năm sinh của mình, dẫn đến việc các thông tin về lai lịch, thân nhân liên quan đều mờ mịt. Hơn nữa, khi liên hệ với chính quyền địa phương ở quê (nơi người dân khai nhận) để xác minh thì đều nhận được câu trả lời: “Không có người nào như vậy ở đây”…

Công an xã Cư Kbang thực hiện các thủ tục cấp căn cước cho người dân.

Trước những khó khăn này, lực lượng Công an xã đã phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức hội, đoàn thể của xã, ban tự quản các thôn thành lập các tổ, nhóm thường xuyên đến từng hộ, gặp gỡ từng người dân để trò chuyện, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng. Các hoạt động tuyên truyền, vận động cũng được thực hiện với sự khéo léo và tận tình, tạo thiện cảm với người dân. Không chỉ lồng ghép việc hướng dẫn người dân tăng gia sản xuất, canh tác cây trồng đạt năng suất, hiệu quả, các tổ chức hội, đoàn thể còn phát động, triển khai nhiều phong trào thể dục thể thao, giao lưu văn hóa, văn nghệ để bà con tham gia.

Anh Hoàng A Nam, Bí thư Đoàn xã Cư Kbang cho hay, Đoàn xã chỉ đạo chi đoàn cơ sở thường xuyên tổ chức các hoạt động, phong trào giao lưu văn hóa, văn nghệ, thi đấu bóng đá, bóng chuyền giữa các xóm, các thôn. Từ đó không chỉ giúp nâng cao đời sống tinh thần của đoàn viên thanh niên và người dân mà còn tạo điều kiện để họ tham gia vào các hoạt động cộng đồng. Nhiều người sinh sống trên địa bàn nhưng có khi cả năm không ra trung tâm xã, không đến các thôn khác mà chỉ quanh quẩn trong xóm, trong nhà và đi làm rẫy. Nhưng khi thấy thôn phát động phong trào cũng đến cổ vũ, hoặc đăng ký tham gia vào đội thi…

Công an xã Cư Kbang đến tận nhà để làm thủ tục định danh điện tử, cấp căn cước cho người già.

Thông qua các hoạt động trên, lực lượng công an cũng thuận lợi nắm người, nắm việc, vận động bà con làm thủ tục cấp căn cước và định danh điện tử. Đến nay đã có hơn 11.000 người dân trong xã đã được cấp căn cước, gần 8.000 người được định danh, xác thực điện tử, trong đó có trên 70% là người dân tộc Mông, Dao, Tày, Nùng. Đặc biệt từ khi Luật Căn cước có hiệu lực từ ngày 1/7/2024, đến nay công an xã đã vận động, đăng ký cấp 2.928 căn cước cho người dân trên địa bàn xã, trong đó có 2.740 căn cước trẻ em dưới 14 tuổi.

Anh Lý Trường Sinh, Trưởng cụm dân cư 10 chia sẻ, cụm dân cư nơi anh sinh sống có 100 hộ, trên 400 nhân khẩu đều là người dân tộc Mông, Dao, Sán Chỉ. Mặc dù còn nhiều khó khăn và chưa chính thức hình thành thôn, nhưng đa phần người dân đã được cấp căn cước và thực hiện các thủ tục dịch vụ công trực tuyến thuận lợi. Trẻ em trong cụm đã được cấp giấy khai sinh và căn cước, giúp họ tiếp cận giáo dục một cách thuận lợi hơn.

Cư Kbang cũng đặt mục tiêu hoàn thành việc cấp căn cước và định danh điện tử tại địa phương trước ngày 31/10/2024, nhằm đưa các dịch vụ công đến gần hơn với người dân, góp phần vào thúc đẩy chuyển đổi số ở địa phương.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(Inforgraphic) Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu của tỉnh Đắk Lắk 9 tháng năm 2024
9 tháng của năm 2024, tình hình kinh tế- xã hội của tỉnh Đắk Lắk tiếp tục phát triển, hầu hết các chỉ tiêu đều tăng so với cùng kỳ. Đáng kể trong đó nhiều lĩnh vực có mức tăng trưởng tích cực, vượt cao so cùng kỳ năm 2023.