Multimedia Đọc Báo in

Cánh cửa rộng mở cho trẻ em khuyết tật

08:08, 22/10/2024

Công tác giáo dục hòa nhập được ngành giáo dục huyện Krông Ana đặc biệt quan tâm. Việc được tham gia học tập như học sinh bình thường, cộng với sự đồng hành, hỗ trợ của nhà trường, thầy cô giáo đã tạo cơ hội để học sinh khuyết tật hòa nhập, bảo đảm giáo dục công bằng, nhân văn.

Năm học 2024 - 2025, trong tổng số 784 học sinh của Trường THPT Phạm Văn Đồng (xã Ea Na) có 8 em theo học phương thức GDHN. Các em học sinh khuyết tật được nhà trường bố trí học cùng với học sinh bình thường, được tạo môi trường sinh hoạt, học tập vui vẻ.

Thầy Nguyễn Ngọc Thắng, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, cách giúp đỡ học sinh khuyết tật tốt nhất là đồng hành cùng các em nhiều hơn. Do đó, nhà trường thường xuyên hỗ trợ vật chất, tặng học bổng, tổ chức phụ đạo kiến thức, kỹ năng hòa nhập cộng đồng cho các em.

Cô giáo và học sinh lớp 10A7 Trường THPT Phạm Văn Đồng đến nhà thăm hỏi, động viên em Y Hưng Niê (bìa trái).

Em Y Hưng Niê, lớp 10A7 là học sinh khuyết tật về thần kinh. Hoàn cảnh của em rất đáng thương khi mẹ mất, bố cũng bị khuyết tật, đi làm ăn ở xa, em phải nương nhờ nhà dì để ăn học. Hiểu rõ hoàn cảnh của em, cô giáo chủ nhiệm lớp 10A7 Ngô Thị Tâm dành nhiều thời gian chuyện trò, hướng dẫn em học tập. Ngoài giờ lên lớp, cô và các bạn cùng lớp hay đến nhà thăm hỏi, dành những phần quà để "tiếp sức" em đến trường.

Năm học này, Trường THPT Krông Ana (thị trấn buôn Trấp) có 3 học sinh khuyết tật về vận động, thần kinh học chương trình GDHN. Thầy Phan Đăng Trung, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho hay, chương trình GDHN được đơn vị thực hiện nghiêm túc và linh hoạt, điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học phù hợp với khả năng của từng học sinh; thực hiện đầy đủ chế độ chính sách dành cho học sinh khuyết tật, đồng thời tạo cơ hội để các em tham gia các hoạt động do trường tổ chức.

Ở những lớp có học sinh khuyết tật, giáo viên chủ nhiệm lớp phối hợp chặt chẽ với gia đình theo dõi, động viên các em; thành lập nhóm bạn học giúp đỡ các em trong học tập, sinh hoạt; tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ có sự tham gia của học sinh khuyết tật để các em phát triển kỹ năng, thêm tự tin hòa nhập trong môi trường giáo dục… Ngoài ra, nhà trường còn thường xuyên tuyên truyền, giáo dục học sinh về lòng yêu thương, giúp đỡ bạn khuyết tật, xây dựng môi trường GDHN an toàn, thân thiện cho học sinh khuyết tật.

Năm học 2024 - 2025, trên địa bàn huyện Krông Ana có hơn 100 học sinh khuyết tật học GDHN ở các cấp học. Thực tế, cho thấy hầu hết học sinh khuyết tật học GDHN đều hứng thú với việc học và có chuyển biến tích cực trong nhận thức, tình cảm, hành động. Tuy nhiên, hiện nay các trường học ở huyện Krông Ana đang gặp khó khăn về cơ sở vật chất; trang thiết bị đặc thù phục vụ GDHN chưa đáp ứng yêu cầu; đội ngũ giáo viên chưa được đào tạo bài bản về GDHN cũng như kỹ năng giao tiếp, phương pháp dạy học và kèm cặp, giúp đỡ học sinh khuyết tật; một số cha mẹ học sinh chưa sẵn sàng chấp nhận khiếm khuyết của con mình. Điều này ảnh hưởng đến hiệu quả GDHN.

Giáo viên lớp 10A3, Trường THPT Phạm Văn Đồng hướng dẫn, hỗ trợ học sinh học hòa nhập.

Tiếp tục xác định GDHN là một trong những nhiệm vụ giáo dục trọng tâm, Phòng GD-ĐT huyện Krông Ana đã đề ra nhiều giải pháp thiết thực huy động học sinh khuyết tật đến trường, giúp các em phát huy khả năng của mình, tạo môi trường bình đẳng cho học sinh.

Cụ thể, Phòng GD-ĐT chỉ đạo các trường có học sinh khiếm thính học hòa nhập ứng dụng nguồn học liệu, tài liệu của dự án QIPEDC (Dự án nâng cao chất lượng giáo dục học sinh khiếm thính cấp tiểu học thông qua ngôn ngữ ký hiệu) vào dạy học nhằm nâng cao chất lượng GDHN; phối hợp tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kỹ năng giáo dục học sinh khuyết tật cho cán bộ quản lý, giáo viên và hỗ trợ chuyên môn trực tiếp theo yêu cầu; tích cực tuyên truyền, huy động cộng đồng tham gia thực hiện tốt GDHN cho học sinh khuyết tật…

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.