Multimedia Đọc Báo in

Huyện Buôn Đôn:

Giảm thiểu tảo hôn vùng đồng bào dân tộc thiểu số

08:08, 01/11/2024

Từ năm 2021 đến nay, tại huyện Buôn Đôn ghi nhận 20 trường hợp tảo hôn; 38 trường hợp sinh con dưới 18 tuổi. Mặc dù các xã đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động và có biện pháp răn đe đối với các trường hợp tảo hôn, tuy nhiên vẫn còn nhiều trường hợp cố tình vi phạm.

Đơn cử, ở xã Ea Nuôl, từ năm 2022 - 2023 có 7 trường hợp tảo hôn, đều sinh con khi chưa đủ 18 tuổi (đăng ký khai sinh theo mẹ, không có cha). UBND xã đã nhắc nhở khi các trường hợp này đến đăng ký khai sinh cho con. Năm 2023, UBND xã chỉ đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ xã và buôn Ea Mdhar 1A tuyên truyền, vận động, hòa giải hủy đám cưới một trường hợp tảo hôn (vợ, chồng sinh năm 2010).

Bà Đinh Thúy Lăng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Nuôl cho biết, xã có 14 dân tộc cùng sinh sống với 3.320 hộ (13.709 khẩu); trong đó đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 51,6%.

Địa phương đã thực hiện nhiều hình thức tuyên truyền, vận động như thành lập các tổ công tác phối hợp với trưởng buôn, già làng, người uy tín gặp gỡ, vận động gia đình có trường hợp tảo hôn; chỉ đạo Trường THCS Trần Hưng Đạo tăng cường nói chuyện chuyên đề nâng cao nhận thức cho học sinh về tác hại và sự cần thiết phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Đồng thời, vận động bà con chấp hành chính sách, pháp luật của Nhà nước; tăng cường nắm địa bàn, kịp thời ngăn chặn và xử lý những trường hợp tảo hôn.

Đặc biệt, tháng 6/2024, Phòng Dân tộc huyện chọn xã Ea Nuôl thành lập mô hình điểm cấp huyện về giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS với hơn 20 thành viên tham gia. Các thành viên tập trung tuyên truyền, vận động, cung cấp thông tin, đặc biệt là phổ biến Luật Hôn nhân và gia đình để người dân nâng cao ý thức chấp hành… Nhờ đó, đến nay địa phương chưa có trường hợp nào tảo hôn.

Đại diện Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn phối hợp với tổ công tác của xã Ea Wer tuyên truyền, vận động một số hộ dân tại buôn Tul B.

Không chỉ ở xã Ea Nuôl, tình trạng tảo hôn còn xảy ra tại các xã Ea Huar, Krông Na, Tân Hòa… Do đó, Phòng Dân tộc huyện phối hợp với Ban Dân vận Huyện ủy, khối đoàn thể và các phòng, ban chuyên môn đẩy mạnh truyền thông, tuyên truyền để thay đổi nhận thức, hành vi, trách nhiệm của người dân nhằm giảm thiểu, tiến đến xóa bỏ tình trạng tảo hôn.

Điểm nổi bật trong công tác tuyên truyền là tập trung vào gia đình có con trong độ tuổi vị thành niên; già làng, trưởng thôn/buôn, người có uy tín… với nội dung tuyên truyền thiết thực, phù hợp với từng đối tượng về tác hại của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; Luật Hôn nhân và gia đình; kỹ năng truyền thông, vận động về hôn nhân, gia đình; phòng, chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống… Đồng thời, lồng ghép vào đó là hoạt động tư vấn, trợ giúp pháp lý miễn phí cho đồng bào DTTS vùng đặc biệt khó khăn.

Đến nay, 7/7 xã của huyện Buôn Đôn đều đạt chuẩn tiếp cận pháp luật; 3 xã Krông Na, Ea Huar, Ea Wer được trang bị tủ sách pháp luật; Phòng Dân tộc huyện hỗ trợ các địa phương cấp, phát trên 5.000 tờ rơi tuyên truyền về Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng có nguy cơ tảo hôn cao. Các xã tổ chức tuyên truyền lồng ghép về Luật Hôn nhân và gia đình, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống được 15 buổi với trên 1.100 lượt người tham gia. Toàn huyện xây dựng được 16 mô hình can thiệp bảo vệ sức khỏe bà mẹ, trẻ em; kịp thời phát hiện và xử lý 8 vụ việc liên quan đến tảo hôn ở cơ sở.

Nhờ những biện pháp trên, năm 2024 tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS trên địa bàn huyện Buôn Đôn đã có chuyển biến nhất định. Tuy nhiên, để ngăn chặn, giảm thiểu tình trạng này vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại...

Phòng Dân tộc huyện Buôn Đôn tổ chức tuyên truyền về tác hại tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống cho phụ huynh học sinh Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THCS Buôn Đôn.

Theo ông Sao Y Me, Trưởng Phòng Dân tộc huyện, tình trạng tảo hôn trên địa bàn vẫn tồn tại do tình hình kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS còn gặp nhiều khó khăn; nhận thức của người dân hạn chế. Mặt khác, ý thức chấp hành pháp luật chưa cao; sự can thiệp, vào cuộc của cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị - xã hội chưa mạnh mẽ, thiếu kiên quyết… Điều đáng bàn khác, hiện nay nhiều bậc phụ huynh do hoàn cảnh gia đình khó khăn phải đi làm xa, không sát sao trong quản lý con, dẫn đến các em là đối tượng có nguy cơ dễ bị xâm hại, kết hôn sớm. Trong khi đó, những phản ứng từ phía cộng đồng còn yếu ớt, hầu hết đều coi đây là chuyện riêng của từng gia đình, thậm chí có nơi còn đồng tình ủng hộ.

Giai đoạn 2021 - 2025, huyện Buôn Đôn phấn đấu giảm bình quân 3 - 5%/năm số cặp tảo hôn trong vùng đồng bào DTTS. “Song, từ thực tế ngăn chặn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cho thấy, ngoài đẩy mạnh tuyên truyền, các cấp, ngành ở địa phương cần quyết liệt hơn trong xử phạt các trường hợp vi phạm”, ông Sao Y Me nhấn mạnh.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc