Multimedia Đọc Báo in

Phát triển chữ ký số để hình thành công dân số

08:22, 24/11/2024

Công dân số là yếu tố nền tảng để hình thành chính quyền số. Muốn có công dân số trước hết phải có chữ ký số.

Theo Luật Giao dịch điện tử 2023, chữ ký số (CKS) là chữ ký điện tử sử dụng thuật toán khóa không đối xứng, gồm khóa bí mật và khóa công khai, trong đó khóa bí mật được dùng để ký số và khóa công khai được dùng để kiểm tra CKS. CKS được triển khai, áp dụng đúng sẽ có giá trị pháp lý như chữ ký tay và con dấu (của tổ chức, doanh nghiệp), có các thuộc tính định danh, xác thực đúng nguồn gốc, bảo đảm được tính toàn vẹn của dữ liệu nhận được và chống chối bỏ. CKS được ứng dụng đa dạng trong hoạt động kinh doanh, giao dịch hành chính công vụ, mang đến nhiều lợi ích cho người sử dụng và là một trong những nền tảng để hình thành một xã hội số.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp (DN) trong thực hiện các dịch vụ công trực tuyến, tỉnh Đắk Lắk đã triển khai giải pháp tích hợp CKS trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) của tỉnh.

Tính đến tháng 9/2024, Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh đã cung cấp 1.735 TTHC. Trong đó, dịch vụ công trực tuyến toàn trình có 688 TTHC (chiếm 39,65%), dịch vụ công trực tuyến một phần có 790 TTHC (45,53%), dịch vụ công cung cấp thông tin có 257 TTHC (14,82%). Tỷ lệ triển khai dịch vụ công trực tuyến toàn trình của tỉnh đạt 100% TTHC đủ điều kiện cung cấp toàn trình.

Nhân viên VNPT Đắk Lắk hướng dẫn tạo chữ ký số cho người dân.

Bên cạnh đó, 100% các sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, UBND các xã, phường, thị trấn đã ứng dụng Phần mềm quản lý văn bản và điều hành của tỉnh vào công tác chỉ đạo, điều hành, gửi, nhận văn bản điện tử liên thông giữa các cơ quan, liên thông với các bộ, ngành Trung ương qua trục liên thông văn bản quốc gia. Đến nay, 100% các cơ quan Nhà nước các cấp của tỉnh đã thực hiện việc gửi, nhận văn bản điện tử; tỷ lệ văn bản điện tử ký số đạt trên 96%.

Có thể khẳng định, ứng dụng CKS trong quá trình chuyển đổi số là hết sức quan trọng. Tỉnh Đắk Lắk đã và đang đẩy mạnh ứng dụng CKS, đặc biệt là công tác số hóa, để hình thành kho dữ liệu dùng chung của tỉnh nhằm phục vụ công tác chỉ đạo điều hành của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Theo thống kê, đến hết năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã có 44.760 CKS được cấp cho tổ chức và cá nhân. Tuy nhiên vẫn tập trung chủ yếu ở các cơ quan nhà nước, tổ chức, DN; tỷ lệ người dân sử dụng CKS còn khiêm tốn.

Nhằm gia tăng tiện ích từ quá trình chuyển đổi số, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển kinh tế số và xã hội số tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, trong đó xác định, hướng đến phát triển mỗi người dân thành một công dân số, mỗi DN, hộ sản xuất kinh doanh thành một DN số. Tỉnh đặt mục tiêu đến năm 2025, có hơn 50% dân số trưởng thành có CKS hoặc chữ ký điện tử cá nhân.

Trâm Anh


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.