Multimedia Đọc Báo in

Rộn ràng “Giai điệu tuổi hồng”

08:27, 18/11/2024

Với chủ đề “Trường học hạnh phúc”, Hội thi “Giai điệu tuổi hồng” tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVI, năm 2024 đã mang đến không khí vui tươi, sôi nổi, để lại dấu ấn tốt đẹp, là hoạt động thiết thực hướng tới chào mừng Kỷ niệm 42 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982 – 20/11/2024), 120 năm Ngày thành lập tỉnh Đắk Lắk (22/11/1904 - 22/11/2024).

Diễn ra từ ngày 13 đến 16/11, hội thi có sự tham gia của hơn 2.800 học sinh đến từ 14 phòng Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) và 58 trường THPT, trường phổ thông có nhiều cấp học trên địa bàn tỉnh. Theo đánh giá của Ban giám khảo, 204 tiết mục tham gia hội thi đã thể hiện rõ nét tình yêu quê hương, đất nước, ý thức giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, đất nước, lòng kính trọng đối với thầy cô giáo và niềm vui tươi dưới mái trường. Ba thể loại: ca, múa, nhạc được các đơn vị trình bày khá đầy đủ và tương xứng, có sự đầu tư, tạo nên những tiết mục đặc sắc.

Tiết mục “Mashup Bài học đầu tiên - Lời thầy cô” của Trường THPT Lê Quý Đôn.

Đối với thể loại ca, điều đáng mừng là các bài hát dân ca, bài hát về Đắk Lắk trong chương trình giáo dục âm nhạc địa phương được các em học sinh thể hiện sinh động. Nhiều bài hát tuy không mới nhưng thông qua cách dàn dựng, biểu diễn đã thổi làn gió mới, sống động và mang đậm chất học trò.

Có thể kể đến: “Xôn xang mênh mang Cao nguyên Đắk Lắk” (Trường THPT Y Jút), “Cô gái vót chông” (Trường THPT Trần Đại Nghĩa), “Mashup Bài học đầu tiên - Lời thầy cô” (Trường THPT Lê Quý Đôn), “Trường em bên đồi cao” (Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột), “Ru mưa” (Phòng GD-ĐT huyện Cư M’gar)…

Nhiều tiết mục múa cũng có sự đầu tư công phu, bên cạnh các tiết mục múa về Tây Nguyên còn có nhiều tiết mục múa hiện đại tươi vui, hồn nhiên. Nổi bật như: “Về miền đất Chăm” (Trường THPT Hồng Đức), “Mạch nguồn” (Trường THPT Cư M’gar), “Krông Ana, sức sống đại ngàn” (Trường THPT Krông Ana), “Hồn chiêng” (Phòng GD - ĐT TP. Buôn Ma Thuột), “Lớp học vùng cao” ( Phòng GD - ĐT huyện Krông Búk)…

 

Kết thúc hội thi, Ban tổ chức đã trao 100 giải Nhất, Nhì, Ba, Khuyến khích cho các tiết mục dự thi xuất sắc và trao giải toàn đoàn cho các đơn vị. Ở khối trường THPT, giải Nhất toàn đoàn thuộc về Trường THPT Lê Quý Đôn; ở khối phòng GD-ĐT, Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột đã giành giải Nhất toàn đoàn.

Ở phần biểu diễn nhạc cụ, cùng với những tiết mục diễn tấu nhạc cụ dân tộc, còn có sự xuất hiện của các nhạc cụ phương Tây được biểu diễn độc tấu, hòa tấu. Đặc biệt, một số đơn vị đã có sự phối hợp giữa nhạc cụ truyền thống và nhạc cụ hiện đại để mở rộng nội dung, mang lại dấu ấn đặc sắc.

Có thể kể đến: “Diễn tấu Chinh đinh A Ráp M’ô, Tiếng chim gọi mùa” (Trường THPT Lê Quý Đôn), “Mái trường Tây Nguyên” (Trường Tiểu học, THCS và THPT Hoàng Việt), “Làng buôn vào hội” (Trường THPT Trần Đại Nghĩa), “Mùa hái quả” (Phòng GD-ĐT TP. Buôn Ma Thuột), “Hòa tấu Ching Knah: Drông tuê (Đón khách)” (Phòng GD – ĐT huyện Cư M’gar), “Độc tấu ghi ta” (Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn)...

Những tiết mục đặc sắc được đầu tư công phu, truyền tải thông điệp ý nghĩa, hội thi đã thu hút đông đảo học sinh, giáo viên, phụ huynh và nhân dân tham gia cổ vũ, mang lại những cảm xúc đặc biệt cho học sinh.

Xuất sắc đoạt giải Nhất với tiết mục đơn ca “Cô gái vót chông”, em Nguyễn Thị Trường Vy (lớp 12B3, Trường THPT Trần Đại Nghĩa) bày tỏ: “Em đã rất mong chờ và chuẩn bị tâm lý vững vàng khi được đứng trên sân khấu lớn như thế này.

Qua các tiết mục tham dự đã giúp chúng em bồi đắp tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu mái trường, thầy cô giáo”. Em H’Si Yoong Êban (học sinh lớp 9, Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú THCS huyện Cư M’gar) cho rằng hội thi thực sự ngày hội giao lưu văn hóa nghệ thuật của học sinh trên địa bàn tỉnh, bản thân cảm thấy vô cùng tự hào khi thông qua tiết mục nghệ thuật của trường mình đã lan toả giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Êđê đến bạn bè các dân tộc khác.

Tiết mục “Hòa tấu Ching Knah: Drông tuê (Đón khách)” của Phòng GD – ĐT huyện Cư M’gar.

Vỡ òa cảm xúc khi giành giải Nhất toàn đoàn khối trường THPT tại hội thi, cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn chia sẻ, các em học sinh nhà trường đã rất nỗ lực trong quá trình tập luyện và thể hiện hết khả năng của mình. Hội thi là cơ hội để học sinh thể hiện tài năng nghệ thuật, cũng như giao lưu, học hỏi với trường bạn về văn hóa, văn nghệ. Đặc biệt, các tiết mục tham gia hội thi chính là món quà tinh thần vô cùng ý nghĩa của học sinh gửi đến thầy cô trong Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).

Huyền Diệu


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kỳ 1: Mênh mang miền huyền thoại
Trong lịch sử hàng nghìn năm hình thành và phát triển, vùng đất Đắk Lắk đã trải qua bao biến thiên kể từ buổi bình minh thời tiền sử xa xôi đến hiện đại. Trong tiến trình dặm dài ấy, mỗi địa danh, từng ngọn núi, con sông đều mang trong mình những huyền thoại nguyên sơ…