Multimedia Đọc Báo in

Thanh tra chuyên ngành - công cụ bảo vệ quyền lợi người lao động

08:16, 11/11/2024

Với việc đẩy mạnh công tác thanh tra chuyên ngành về đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, nhiều đơn vị chậm đóng, “nợ” đã kịp thời khắc phục nộp lại.

Qua đó, góp phần ngăn ngừa, hạn chế tình trạng vi phạm pháp luật của các đơn vị, tổ chức, cá nhân; bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.

Theo số liệu thống kê của Bảo hiểm xã hội (BHXH) tỉnh, đến ngày 30/9/2024, đơn vị đã ban hành 179 công văn đôn đốc các đơn vị chậm đóng BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) với tổng số tiền nợ trên 31,5 tỷ đồng.

Kết quả, đã có 92 đơn vị đã khắc phục đóng với số tiền trên 10,6 tỷ đồng. Trong đó, riêng tháng 9/2024, đã ban hành quyết định thanh tra chuyên ngành 41 đơn vị.

Qua công tác thanh tra, kiểm tra, đã phát hiện 18 lao động đóng thiếu thời gian tham gia với số tiền phải truy đóng là gần 147 triệu đồng; 3 lao động đóng thiếu mức quy định với số tiền phải truy đóng là gần 7 triệu đồng; 1 lao động đóng thừa mức quy định với số tiền phải hoàn trả, điều chỉnh giảm là 320.000 đồng.

Trước khi thanh kiểm tra, các đơn vị này chậm đóng trên 968 triệu đồng (bao gồm cả tiền lãi) và khi BHXH thực hiện thanh kiểm tra, các đơn vị khắc phục số tiền chậm đóng đạt tỷ lệ 100%.

Lao động làm việc tại một doanh nghiệp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Đơn cử như Công ty TNHH Tư vấn xây dựng Thuận Bắc (TP. Buôn Ma Thuột), đến ngày 30/9/2024, công ty chậm đóng BHXH bắt buộc, BHTN (chưa bao gồm lãi) gần 91 triệu đồng; chậm đóng BHYT hơn 5,6 triệu đồng. Ngày 23/10, đoàn thanh tra chuyên ngành của BHXH tỉnh đến làm việc. Sau đó, công ty này đã tự nguyện khắc phục hậu quả toàn bộ số tiền chậm đóng BHXH bắt buộc, BHYT và BHTN theo quy định.

 

Điều 39, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2025) đã quy định rõ hơn về hành vi trốn đóng BHXH, bảo hiểm thất nghiệp. Nội dung này sẽ được quy định, hướng dẫn rõ hơn trong các nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật BHXH để tăng cường tính tuân thủ pháp luật, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động.

Hay như tại Công ty TNHH Xây dựng và Đầu tư Thuận An (TP. Buôn Ma thuột), qua kiểm tra chứng từ chuyển tiền trên hệ thống quản lý thu - sổ, thẻ của BHXH tỉnh, đến thời điểm 31/7/2024 đơn vị còn chậm đóng BHXH, BHTN, BHYT với số tiền trên 61,5 triệu đồng. Tuy nhiên đến thời điểm công bố quyết định thanh tra, đơn vị đã thực hiện đóng BHXH, BHTN, BHYT đầy đủ cho người lao động.

Những con số trên cho thấy, với chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN được giao, ngành BHXH đã phát huy hiệu quả của công cụ này trong công tác phát triển người tham gia, tăng thu và quản lý thu hồi tiền chậm đóng. Hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành đã làm thay đổi rõ rệt nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật BHXH, BHYT, BHTN của chủ sử dụng lao động, quyền lợi người lao động được bảo đảm, chế độ được giải quyết kịp thời, đúng, đủ.

Theo Giám đốc BHXH tỉnh Nguyễn Khắc Tuấn, công tác thanh tra chuyên ngành thời gian qua đã được đổi mới theo cách thức kết hợp giữa thanh tra truyền thống với ứng dụng công nghệ thông tin để tăng hiệu quả, chất lượng, giảm nhân lực, thời gian. Cùng với đó, đơn vị đã tăng cường thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN đối với các đơn vị có dấu hiệu vi phạm, đơn vị chậm đóng với thời gian dài. Ngành BHXH cũng chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BHTN...

Cán bộ Bảo hiểm xã hội huyện Ea Kar kiểm tra công tác thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội tại một doanh nghiệp trên địa bàn huyện.

Hiện nay, vẫn còn tồn tại tình trạng chậm đóng thời gian dài, số tiền lớn ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của người lao động. Nguyên nhân đã được chỉ rõ như: ý thức chấp hành pháp luật của một số chủ sử dụng lao động còn thấp; do ảnh hưởng của dịch bệnh khiến một số đơn vị thực sự gặp khó khăn; mọi nguồn lực tài chính được tập trung cho sản xuất, kinh doanh, chi trả tiền lương cho người lao động hằng tháng dẫn đến việc chậm đóng BHXH, BHTN.

Ngoài ra, vướng mắc từ hành lang pháp lý như chế tài xử phạt hành chính đối với hành vi vi phạm về đóng BHXH, BHYT, BHTN được xem là chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe và việc thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt còn nhiều vướng mắc, hiệu quả còn thấp. Kể cả với một số vi phạm được xem xét xử lý hình sự thì việc triển khai trong thực tế cũng gặp không ít khó khăn.

Vì thế, giải pháp ngăn ngừa các vi phạm trong thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN hiện nay chủ yếu là tăng cường tuyên truyền chính sách, pháp luật để nâng cao trách nhiệm của chủ sử dụng lao động cùng các biện pháp xử lý hành chính…

Thúy Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.