Multimedia Đọc Báo in

"Điểm tựa" cho phụ nữ và trẻ em vùng biên

08:32, 06/12/2024

Triển khai Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”, các cấp Hội LHPN huyện Buôn Đôn không chỉ hướng đến chăm lo, hỗ trợ đời sống vật chất mà còn xây “điểm tựa” tinh thần cho phụ nữ và trẻ em dân tộc thiểu số (DTTS).

Buôn Ea Mdhar 1A (xã Ea Nuôl) có 277 hộ, đồng bào DTTS tại chỗ chiếm 80%. Trước đây, nhiều người trong buôn có thói quen uống rượu, dẫn đến mất an ninh trật tự nhưng từ khi có điểm mô hình “địa chỉ tin cậy cộng đồng” tại buôn, những vụ xích mích giảm đáng kể, tình trạng bạo lực gia đình cũng không còn.

Điểm mô hình được xây dựng tại nhà sinh hoạt cộng đồng buôn và công khai số điện thoại đường dây nóng tiếp nhận thông tin về bạo lực gia đình. Ban chủ nhiệm, các thành viên của mô hình tích cực tuyên truyền pháp luật về hôn nhân gia đình, bình đẳng giới, kỹ năng phòng tránh bạo lực gia đình; kịp thời tư vấn, hòa giải những vụ việc mâu thuẫn giúp phụ nữ ngày càng tự tin, năng động trong phát triển kinh tế, có tiếng nói trong gia đình, xã hội.

UBND xã Ea Huar phối hợp với Hội LHPN xã ra mắt và tặng kinh phí hoạt động cho Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" Trường THCS Lê Hồng Phong.

Không chỉ ở buôn Ea Mdhar 1A, Hội LHPN xã Ea Nuôl phối hợp với UBND xã ra mắt mô hình “địa chỉ tin cậy cộng đồng” ở 6 điểm vùng đồng bào DTTS tại các buôn Niêng 2, Niêng 3, Ko Đung A, Ko Đung B, thôn Hòa Thanh và thôn Tân Phú. Ban chủ nhiệm mô hình “địa chỉ tin cậy cộng đồng” được đặt tại trụ sở UBND xã gồm 15 thành viên và giao cho Công an xã thường trực quản lý các điểm. Ngay sau khi mắt, các thành viên tham gia mô hình được Ban quản lý tập huấn, hướng dẫn nâng cao kiến thức, kỹ năng phát hiện, lên tiếng, hỗ trợ người bị bạo lực tại cộng đồng; hướng dẫn thành lập, vận hành mô hình. Bước đầu mỗi điểm được trang bị giường, nệm, chăn, màn, quạt... sẵn sàng hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng yếu thế khi cần.

Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là một trong 4 mô hình cơ bản (tổ truyền thông cộng đồng; thay đổi nếp nghĩ, cách làm; địa chỉ tin cậy tại cộng đồng) trong chương trình của Dự án 8 được các cấp Hội phụ nữ huyện Buôn Đôn triển khai nhằm tạo nên môi trường thuận lợi cho lứa tuổi thanh thiếu nhi được tham gia vào hoạt động thúc đẩy thực hiện quyền trẻ em và bình đẳng giới.

Nhiệm vụ trọng tâm của CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” là góp phần trang bị cho trẻ em kỹ năng sống, giúp các em tự tin, có thêm kiến thức để phòng ngừa, ứng phó với bạo lực giới; tích cực tham gia các hoạt động tại nhà trường và cộng đồng để rèn luyện tính chủ động, tự tin, dám lên tiếng trước các hành vi thiếu chuẩn mực...

Tại Trường THCS Lê Hồng Phong (xã Ea Huar), CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” ra mắt từ tháng 11/2023 với 20 thành viên. Để các hoạt động triển khai nền nếp, hiệu quả, giáo viên Tổng phụ trách Đội hướng dẫn, cùng học sinh xây dựng kế hoạch, tổ chức, triển khai từng chương trình, dự án nhỏ. Trong các buổi sinh hoạt, các em hăng hái tham gia các trò chơi, thảo luận nhóm, trình bày, phát biểu ý kiến của mình...

Bà Lưu Thị Hằng, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Huar bày tỏ: “Kỳ vọng CLB “Thủ lĩnh của sự thay đổi” thể hiện ngay từ tên gọi, là giải pháp mang tính lâu dài, giúp thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ người DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Các em sẽ tiếp tục là lực lượng xung kích khi trở về với thôn, buôn giúp cho cộng đồng dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu để cùng nhau vươn lên phát triển”.

Công an xã Ea Huar tập huấn kiến thức pháp luật cho thành viên Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" Trường THCS Lê Hồng Phong.

Trao cơ hội cho phụ nữ và trẻ em huyện Buôn Đôn phát triển toàn diện, năm 2024 Hội LHPN các cấp đã tổ chức 56 hội nghị, đối thoại, chiến dịch truyền thông các nội dung liên quan đến Dự án 8 như: Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới; truyền thông về những hệ lụy của nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; chăm sóc sức khỏe sinh sản cho phụ nữ… với 4.451 người tham gia; thành lập 48 tổ truyền thông cộng đồng, 5 địa chỉ tin cậy, 3 CLB "thủ lĩnh của sự thay đổi"; hỗ trợ 94 bà mẹ sinh con tại cơ sở y tế…

Bà Võ Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Buôn Đôn cho biết, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện đã bám sát nội dung chính, dựa trên tình hình thực tế, phối hợp với các phòng, ban, địa phương, trường học đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, góp phần xóa bỏ định kiến và khuôn mẫu giới trong gia đình, cộng đồng; xây dựng và nhân rộng các mô hình “thay đổi nếp nghĩ, cách làm”, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; trang bị kiến thức về bình đẳng giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị, già làng, trưởng buôn, người có uy tín trong cộng đồng… Qua đó, từng bước tập trung giải quyết có hiệu quả một số vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em vùng DTTS và miền núi huyện Buôn Đôn.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc