Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Pắc: Nâng cao chất lượng lao động qua đào tạo nghề

09:52, 10/12/2024

Đẩy mạnh đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm là một trong những giải pháp mà huyện Krông Pắc đã từng bước nâng cao chất lượng lao động, đón đầu xu thế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Đào tạo theo nhu cầu lao động

Đầu nhiệm kỳ 2020 – 2025, tỷ lệ lao động qua đào tạo của huyện Krông Pắc vẫn còn ở mức dưới 50% thì đến nay, số lượng lao động qua đào tạo đã đạt 57%, trong đó có 44% lao động qua đào tạo nghề. Nhiều năm liền, kết quả về số lớp đào tạo nghề và số lượng học viên luôn vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Hầu hết lao động qua đào tạo đều có việc làm ổn định, thu nhập từng bước cải thiện và nâng cao.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Nguyễn Thị Kim Oanh nhận định, có được kết quả này là nhờ sự phối hợp triển khai đồng bộ của cả hệ thống chính trị từ tuyên truyền, hướng dẫn, hỗ trợ đến việc phối hợp mở các lớp nghề phù hợp với nhu cầu của người lao động, đặc biệt là lao động vùng DTTS, vùng đặc biệt khó khăn.

Lao động nữ tại xã Ea Yiêng tham gia lớp học nghề may công nghiệp theo Chương trình 1719.

Theo đó, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã chỉ đạo các cơ quan chức năng phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội ở cơ sở thực hiện khảo sát nhu cầu học nghề của từng thôn, buôn. Với các xã có lợi thế về sản xuất nông nghiệp, Trung tâm GDTX – GDNN huyện ưu tiên mở các lớp đào tạo thường xuyên (thời lượng dưới 3 tháng) dạy các nghề trồng trọt, chăn nuôi. Các xã có ít lợi thế sản xuất nông nghiệp sẽ được ưu tiên mở các lớp sơ cấp nghề như may công nghiệp, dệt thổ cẩm, kỹ thuật nấu ăn, kỹ thuật điện…

Chương trình đào tạo nghề cũng liên tục có sự cập nhật, đổi mới theo khung chuẩn của Sở Lao động – Thương binh & Xã hội, phù hợp với xu thế phát triển của địa phương. Chẳng hạn như trong nhóm nghề về trồng trọt, nếu như trước đây Trung tâm GDTX – GDNN huyện đã mở các lớp kỹ thuật trồng cây ăn quả, kỹ thuật nhân giống cây ăn quả thì đến năm 2024, các lớp nghề đã được mở riêng cho từng loại cây thế mạnh của huyện bao gồm: 3 lớp trồng và chăm sóc sầu riêng; 1 lớp trồng và chăm sóc cà phê; 1 lớp trồng và chăm sóc nhãn, vải. Các lớp kỹ thuật chăn nuôi cũng có sự gắn kết chặt chẽ với việc thực hiện các dự án cấp bò, dê hỗ trợ sinh kế cho người dân theo Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi (Chương trình 1719), Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững…

Chú trọng hỗ trợ vùng DTTS

Với hơn 36% dân số là DTTS, huyện Krông Pắc tập trung đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, định hướng nghề nghiệp, hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động DTTS nhằm thu hẹp dần khoảng cách về kiến thức, kỹ năng, mở rộng cơ hội việc làm, cải thiện thu nhập và đời sống. Bình quân mỗi năm, huyện dành nguồn ngân sách khoảng 1 tỷ đồng để đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đặc biệt ưu tiên cho lao động DTTS, hộ nghèo, hộ cận nghèo. Ngoài ra, năm 2024, huyện cũng đã triển khai 1 lớp sơ cấp nghề may công nghiệp cho 31 lao động nữ tại xã Ea Yiêng theo Chương trình 1719.

Người lao động tại xã Tân Tiến nhận chứng chỉ sơ cấp nghề dệt thổ cẩm tại lễ bế giảng.

Qua công tác tuyên truyền, động viên, hướng dẫn từ cấp ủy, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội tại cơ sở, người lao động – đặc biệt là lao động DTTS, lao động nữ tại các xã và thôn, buôn đặc biệt khó khăn ngày càng mạnh dạn, chủ động hơn trong việc tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trong và ngoài huyện.

Bên cạnh đó, các lớp học nghề cũng đã có sự đầu tư bài bản về giáo trình, giáo cụ, điều kiện thực hành trực quan, dễ tiếp thu, dễ vận dụng. Lớp học nghề được tổ chức ngay tại thôn, buôn không chỉ giúp học viên thuận tiện trong việc đi lại mà còn thu hút người dân quan tâm, tìm hiểu về các chương trình đào tạo nghề, các chính sách hỗ trợ học nghề của nhà nước. Sau khi hoàn thành khóa học, học viên cũng được tham gia các chương trình tư vấn, giới thiệu việc làm nhằm tìm kiếm cơ hội thích hợp với nhu cầu, điều kiện của bản thân.

Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Pắc Nguyễn Thị Kim Oanh khẳng định, cơ cấu kinh tế huyện Krông Pắc đang chuyển dịch rõ nét theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp – xây dựng và thương mại – dịch vụ. Huyện cũng đang đẩy mạnh thu hút đầu tư, mở ra nhiều cơ hội việc làm mới cho người dân. Riêng đối với lĩnh vực nông nghiệp, yêu cầu áp dụng khoa học kỹ thuật, ứng dụng chuyển đổi số cũng trở thành xu thế tất yếu. Do đó, công tác đào tạo nghề sẽ tiếp tục được đẩy mạnh, liên tục đổi mới đáp ứng yêu cầu thực tiễn giúp người lao động đón đầu cơ hội việc làm với thu nhập và phúc lợi ngày một nâng cao.

Năm 2024, huyện Krông Pắc đã mở 32 lớp đào tạo nghề, đạt 106,7% so với kế hoạch; 1.314 lao động tham gia các lớp đào tạo nghề, đạt 146% so với kế hoạch; 2.700 người được giải quyết việc làm, đạt 108% so với kế hoạch.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc