"Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm"
“Việc thiện dù nhỏ mấy cũng làm, việc ác dù nhỏ mấy cũng tránh”, lời dạy ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành phương châm hoạt động của mỗi cán bộ, hội viên các cấp Hội Chữ thập đỏ TP. Buôn Ma Thuột.
Bằng tình yêu thương, sự sẻ chia, những "chiến sĩ áo đỏ" đã hỗ trợ người có hoàn cảnh khó khăn, yếu thế bằng những việc làm ý nghĩa thiết thực.
Xúc động “Tình người từ phế liệu"
Mỗi buổi chiều muộn, tại hội trường Tổ dân phố (TDP) 1, phường Tân Tiến lại có nhiều người mang những túi vỏ lon, chai nước, giấy phế liệu tới quyên góp. Mô hình “Tình người từ phế liệu” được Chi hội Chữ thập đỏ (CTĐ) TDP 1 duy trì hơn một năm qua không chỉ góp phần bảo vệ môi trường mà còn giúp nhiều hội viên khó khăn được tham gia bảo hiểm y tế (BHYT).
Bà Phạm Thị Thiên Thanh, Chi hội trưởng Chi hội CTĐ TDP 1 chia sẻ: “Lúc mới thực hiện mô hình, nhiều hội viên vẫn chưa hiểu được ý nghĩa của việc làm này. Khi đó, tôi đã bàn bạc cùng cán bộ trong chi hội và trích một phần quỹ để tặng trước thẻ BHYT cho một số hộ khó khăn, góp phần lan tỏa ý nghĩa của mô hình nhằm nâng cao công tác tuyên truyền, vận động người dân trên địa bàn chung tay thực hiện. Bên cạnh việc mang phế liệu tới điểm tập kết, nhiều hội viên còn tự làm một điểm thu gom tại nhà và kêu gọi người thân, bạn bè cùng phân loại rác thải rồi bán lấy tiền góp quỹ”. Đến nay, mô hình đã có 60 hội viên tham gia, thu được tổng số tiền hơn 16 triệu đồng, dùng để hỗ trợ 6 thẻ BHYT và tặng quà những gia đình khó khăn trong các dịp lễ, Tết.
Thành viên Chi hội Chữ thập đỏ Tổ dân phố 1 (phường Tân Tiến) phân loại rác tại điểm tập kết. |
Là một trong số những người được nhận thẻ BHYT, bà Ngô Thị Hoa (78 tuổi) xúc động bày tỏ: “Trong cơn bạo bệnh vừa qua, nhờ có món quà từ Chi hội CTĐ TDP 1, tôi đã được BHYT chi trả hơn 8 triệu đồng khi điều trị tại bệnh viện. Tôi mong mô hình này sẽ ngày càng được nhân rộng để nhiều người già khó khăn như tôi cũng có cơ hội tham gia BHYT, vơi bớt đi nỗi lo bệnh tật”.
Làm việc thiện đúng cách, đúng địa chỉ
Nhận thấy trên địa bàn thành phố còn nhiều người dân khó khăn, không có công việc ổn định cũng như vốn để đầu tư kinh doanh, thời gian qua, Hội CTĐ thành phố đã triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng hộ như dự án ngân hàng bò, mô hình dê sinh kế…, đồng thời thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi mô hình phù hợp với điều kiện địa phương để giúp họ phát triển kinh tế, phần nào vượt qua khó khăn trong cuộc sống.
Bà Đỗ Thị Gái (49 tuổi, ở thôn 8, xã Hòa Khánh) thuộc hộ cận nghèo, chồng lại bị bệnh hiểm nghèo, một mình bà phải bươn chải đi làm thuê để trang trải cho cuộc sống gia đình. Từ dự án ngân hàng bò, năm 2013, Hội CTĐ thành phố đã cấp cho bà một con bò giống và hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi, nhờ đó kinh tế của gia đình bà đã có nhiều thay đổi tích cực, đủ tiền lo cho cuộc sống cũng như học phí của các con. Tuy nhiên, năm 2021, sau khi chồng mất, bà Gái phải bán nhà để trang trải số tiền nợ thuốc men, không còn đất để chăn nuôi, trồng trọt. Trước tình cảnh đó, Hội CTĐ thành phố đã quyết định hỗ trợ bà bán bò với số tiền 15 triệu đồng và mua máy may để chuyển đổi sang mô hình may gia công. “Từ khi chuyển đổi mô hình, sức khỏe của tôi cũng được cải thiện vì công việc này chỉ cần nhận gia công về nhà làm, nguồn thu nhập cũng ổn định, từ 200.000 – 300.000 đồng/ ngày, tôi có thể lo cho con cái tiếp tục đến trường và sửa sang lại nhà cửa”, bà Gái tâm sự.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) đến khảo sát tình hình kinh tế của hộ gia đình bà Đỗ Thị Gái sau khi chuyển đổi mô hình. |
Ở thôn 22 (xã Hòa Khánh), người dân tuy có nhiều đất canh tác nhưng đời sống nhiều hộ vẫn khó khăn vì không có vốn đầu tư. Năm 2016, Hội CTĐ thành phố đã triển khai xây dựng mô hình “Nhiều người giúp một người” trên địa bàn thôn. Tham gia mô hình, các hội viên đóng góp từ 200.000 – 500.000 đồng/năm gây quỹ cho các hộ khó khăn mượn vốn xoay vòng để mua cây giống, máy móc, phân bón…. Đến nay, mô hình có 20 thành viên tham gia và đã giúp đỡ được 5 trường hợp, hầu hết các hộ đều đã phát triển kinh tế hiệu quả. Như gia đình bà Trần Thị Hạnh (60 tuổi) trước đây rất khó khăn, nhờ được hỗ trợ vay vốn từ nguồn quỹ của mô hình “Nhiều người giúp một người”, bà Hạnh có điều kiện sản xuất theo hình thức đa cây, đa con, từng bước phát triển kinh tế, thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng/năm, xây dựng nhà cửa khang trang, con cái đều được học hành đầy đủ.
Chủ tịch Hội CTĐ TP. Buôn Ma Thuột Phạm Khánh Quyên cho biết, Hội CTĐ thành phố sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm hướng về cơ sở, vì lợi ích của người dân và lan tỏa các giá trị nhân đạo trong cộng đồng. Bên cạnh đó đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp chung tay trong phong trào nhân đạo; khơi dậy tinh thần “tương thân, tương ái” trong cộng đồng nhằm huy động thêm nhiều nguồn lực để giúp đỡ, hỗ trợ các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.
Thu Thảo
Ý kiến bạn đọc